Theo Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Thủ tướng phát động từ năm 2018, Hà Nội đã vào cuộc tích cực, với sự chỉ đạo triển khai tổ chức đồng bộ hiệu quả từ TP đến cơ sở, đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang sản xuất sản phẩm cung ứng ra thị trường và sự đón nhận hưởng ứng, nhận diện của các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, TP Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về triển khai chương trình OCOP. TP đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước. Trong đó có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, TP công nhận 518 sản phẩm (01 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu Kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).
Sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, TP luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, TP đã khai trương đi vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội cho biết, các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.
Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới như: Úc, Châu Âu, Nhật Bản, điển hình như: Sản phẩm của công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương; công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam; Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc…
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, chương trình OCOP được triển khai rộng khắp trên địa bàn Hà Nội (không chỉ ở các huyện mà cả ở các quận đô thị) đã phát huy được tiềm năng của TP, với hơn 1.340 làng nghề/làng có nghề (chiếm khoảng 20% tổng số của cả nước) và đặc sắc về văn hoá ẩm thực.
Đặc biệt, trong cơ cấu sản phẩm OCOP của Hà Nội, tỷ lệ sản phẩm 4 sao chiếm tới 67%, trong khi cả nước chỉ có khoảng 32%, điều đó cho thấy sản phẩm OCOP của Hà Nội không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà vẫn đảm bảo về chất lượng.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hà Nội cần tập trung vào củng cố và nâng cấp chất lượng của các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đồng thời có kế hoạch cụ thể để xác định và hỗ trợ các sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao, từ 3 sao lên 4 sao, trong đó tập trung vào các hạn chế của từng sản phẩm trong quá trình đánh giá, xem xét và công nhận.
Đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao TP cần hỗ trợ để chuẩn hoá về qui trình và chất lượng để đảm bảo sự ổn định về chất lượng, các sản phẩm OCOP 4 sao trở lên cần hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế/chất lượng ổn định, đảm bảo các sản phẩm OCOP không chỉ giữ vững mà còn được tăng cường chất lượng trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.
Đối với nhóm sản phẩm nông sản/thực phẩm/dược phẩm cần hướng tới sản phẩm sinh thái/xanh và thân thiện môi trường (có sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ), tăng cường hàm lượng chế biến và chế biến sâu; hướng tới sản xuất ít nhưng chất lượng, nguyên liệu tốt và giá trị cao.
“Hà Nội cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể, nhất là về đổi mới, sáng tạo và tạo ra hệ sinh thái của các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường trong nước và quốc tế; cải thiện và nâng cao mẫu mã, bao bì gắn với kể câu chuyện sản phẩm và tạo ra sự khác biệt, xây dựng thương hiệu riêng cho từng chủ thể/từng sản phẩm. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP, trong đó xác định rõ phân khúc thị trường.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tiêu thụ trên nền tảng thương mại điện tử, nhất là các mạng xã hội (tại các mạng xã hội thì các chủ thể có thể kể các câu chuyện về sản phẩm, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa chủ thể/sản phẩm OCOP với khách hàng” – ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.