Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội chuyển đổi hiệu quả trên 40.000ha đất nông nghiệp

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Hà Nội cho thấy, đến nay, toàn TP đã chuyển đổi được 40.227,3ha sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể, chuyển đổi sang sản xuất lúa chất lượng cao có diện tích lớn nhất (15.677,1ha), tiếp đến là chuyển đổi sang cây ăn quả (7.390,7ha), rau an toàn (2.932,4 ha)… Một số huyện có diện tích chuyển đổi lớn như: Sóc Sơn (8.334,7ha), Ứng Hòa (6.852,6ha), Ba Vì (5.241,5ha), Thanh Oai (4.440,3ha), Phú Xuyên (2.830,6ha), Quốc Oai (2.750,7ha)…
 Chăm sóc hoa cúc tại huyện Mê Linh
Sau dồn điền đổi thửa, TP đã chỉ đạo đẩy mạnh việc chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn, qua đó, giúp gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập người nông dân.
TP đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như: các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa tại các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn… cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25-30%.
Vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng… cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng cây ăn quả ở một số huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm… với giá trị từ 0,5-1 tỷ/ha/năm.
Nhiều địa phương đã sản xuất và xây dựng được thương hiệu cho một số giống cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: Phật Thủ, Nhãn chín muộn, Cam canh ở Hoài Đức, Bưởi Tôm vàng ở Đan Phượng; vùng trồng hoa, cây cảnh ở các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất với giá trị từ 0,5-1,5 tỷ/ha/năm.
Bên cạnh đó là các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại các huyện như: Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì, Phúc Thọ với giá trị từ 1-2 tỷ/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sản tại một số huyện như: Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức cho giá trị từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.