Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Chuyển đổi số tạo động lực xây dựng TP thông minh

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài năm gần đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trường, giải pháp đồng bộ về chuyển đổi số (CĐS) gắn với xây dựng TP thông minh. Nhờ đó, công tác CĐS của TP đạt những kết quả quan trọng về cả chính quyền, hạ tầng, kinh tế - xã hội,...

Ngày 30/12/2022, Thành uỷ Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về CĐS, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Nghị quyết nêu rõ quan điểm thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện CĐS, xây dựng TP Hà Nội thông minh là trách nhiệm, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động

Thực hiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TU, TP. Hà Nội đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị của TP.

Với phương châm làm chắc, bằng bước đi và lộ trình phù hợp, đến nay, công tác CĐS của TP Hà Nội đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận: Chính quyền số được quan tâm đầu tư; Hạ tầng số được thúc đẩy; Kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh,... đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Với những lợi thế và kết quả vững chắc ban đầu, Hà Nội quyết tâm hoàn thành mục tiêu thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về CĐS.

Kết quả bước đầu, Hà Nội là một trong các tỉnh, TP đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Hà Nội là một trong các tỉnh, TP đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Hà Nội là một trong các tỉnh, TP đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Ngoài ra, UBND TP đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn TP đã hoàn thành: Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Về hạ tầng số, trung tâm dữ liệu chính của TP đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV năm nay. Cùng với đó là tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN của TP, hệ thống giao ban trực tuyến cả TP (đã được triển khai tới 3 cấp chính quyền).

Không chỉ có vậy, nhờ sự phối hợp từ phía các doanh nghiệp, TP Hà Nội đã triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến nay, trên toàn TP đã cấp hơn 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện dịch vụ công trực tuyến của TP.

Về phát triển dữ liệu, năm 2023, TP Hà Nội đã ban hành Danh mục dữ liệu mở của TP (tại Quyết định số 3478/QĐ-UBND ngày 4/7/2023) là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan Nhà nước và với công dân tổ chức trong thời gian tới.

Điểm nhấn công tác cải cách hành chính

Xác định đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, Hà Nội đã quyết liệt, nỗ lực đổi mới trong chỉ đạo điều hành, tích cực cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Theo đó, các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, bổ sung, sáng tạo các mô hình nhằm giảm thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính.

Điển hình, tại UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) đã ra mắt mô hình giải quyết thủ tục hành chính “Ngày kiểu mẫu về cải cách thủ tục hành chính - trả kết quả ngay khi tiếp nhận hồ sơ” mang lại sự thuận tiện cho người dân.

Theo ông Công Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, mô hình đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần cải thiện và nâng cao điểm số cải cách hành chính của phường. Qua khảo sát thực tế cho thấy, cơ quan phường Nhật Tân luôn được đánh giá là đơn vị có chỉ số hài lòng cao với người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch.

Cùng với phường Nhật Tân, các đơn vị khác của quận Tây Hồ với tinh thần sáng tạo đã nâng cao chất lượng cải cách hành chính phục vụ lợi ích của người dân trên địa bàn. 

Quận đã được ghi nhận và đánh giá về mức độ hài lòng của người dân và chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 4 toàn TP. Quận Tây Hồ đã cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân qua các hình thức như cổng điện tử, niêm yết bảng tin, Zalo.

Quận Tây Hồ đã được ghi nhận và đánh giá về mức độ hài lòng của người dân và chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 4 toàn TP.
Quận Tây Hồ đã được ghi nhận và đánh giá về mức độ hài lòng của người dân và chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 4 toàn TP.

Bên cạnh đó, quận nâng cấp các trang thiết bị mới, hiện đại tại bộ phận "một cửa" của các phường, đáp ứng tình hình hiện nay. Trong thời gian tới, quận tiếp tục tập trung số hóa các hồ sơ lưu trữ, tạo tiền đề quan trọng cho việc CĐS.

Trước Tây Hồ, là quận đi đầu của cả TP, Hoàn Kiếm đã đưa các mô hình sáng kiến vào giải quyết thủ tục hành chính từ lâu.

Cụ thể, quận Hoàn Kiếm đã chú trọng triển khai mô hình sáng kiến “Các thủ tục hành chính không chờ” lĩnh vực Tư pháp từ năm 2022. Năm ngoái, Hoàn Kiếm được TP đánh giá tốt, chỉ số CCHC xếp thứ 01/30 quận (huyện), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (chỉ số SIPAS) xếp thứ 05/30 quận (huyện) tăng 16 bậc so với năm 2021.

Đến nửa đầu năm này, tổng số hồ sơ “không chờ” đã tiếp nhận giải quyết là 18.915 hồ sơ (chiếm tỉ lệ 76,1% trong tổng số hồ sơ hành chính giải quyết tại 18 phường) đem lại lợi ích thiết thực, được nhân dân ghi nhận, đánh giá tốt, lan tỏa tới nhiều Quận, huyện bạn học tập.

Ngoài hai quận kể trên, đầu tháng 7/2023, mô hình: Ngày thứ tư “tốc ký” được UBND quận Hai Bà Trưng đưa vào hoạt động tại bộ phận “một cửa” được kỳ vọng là một giải pháp hữu hiệu giúp ngày càng nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan chính quyền.

Bộ phận “một cửa” UBND quận Hai Bà Trưng đã đưa vào mô hình quét mã QR để công dân thực hiện các công việc: Nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán chi phí giải quyết thủ tục hành chính, đóng góp ý kiến về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

Có thể nói, CĐS là một quá trình thường xuyên, liên tục đặc biệt với quy mô rất lớn của TP 10 triệu dân thì đây là khối lượng công việc không nhỏ nhưng với quyết tâm chính trị cao, TP Hà Nội chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ CĐS, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.