Kinhtedothi - 6 năm ca trù được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới cần bảo vệ khẩn cấp, “bức tranh” về nghệ thuật ca trù ở Thủ đô đã khác xưa. Thế nhưng, làm thế nào để “cấp cứu” ca trù thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp là chuyện mấu chốt được các nhà khoa học, quản lý, nghệ nhân ca trù của Hà Nội bàn đến trong hội thảo “Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”, diễn ra sáng 22/10.
Dần thoát khỏi tình trạng khẩn cấp
Cách đây 3 năm, Ban tổ chức Liên hoan ca trù Hà Nội lần thứ nhất hô hào mạnh mẽ cũng chỉ thu hút được 5 câu lạc bộ (CLB) ca trù tham gia. Thời điểm năm 2012 đó cũng đã là con số rất đáng mừng. Thế nhưng đến nay, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội hồ hởi thông báo, Hà Nội đã có 14 CLB và nhóm ca trù đang hoạt động, trở thành địa phương sở hữu nhiều di sản ca trù nhất cả nước. Hà Nội cũng là địa phương có nhiều nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú (trong đó nghệ nhân ca trù chiếm chủ yếu 17/39) nhất cả nước.
Biểu diễn ca trù trước hội thảo sáng 22/10. Ảnh: Linh Anh
|
Trong không gian đi bộ giữa Phố cổ Hà Nội, vào thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần, khán giả đã được thưởng thức tiếng phách, tiếng đàn, điệu hát của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, Phạm Thị Huệ và các học trò tại đình Kim Ngân. Du khách quan tâm lắng nghe các buổi biểu diễn ở Bích đạo quán, đền Quan Đến, đình Kim Ngân… không chỉ là khách Tây, mà có cả các em nhỏ Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Trưởng phòng VHTT huyện Đông Anh, nơi có Lỗ Khê là quê hương của ca trù Hà Nội, cũng vui mừng chia sẻ: “Ở Đông Anh, ca trù không chỉ được hát ở Lỗ Khê. Thế hệ thứ 2, sau lớp các nghệ nhân cao tuổi, truyền dạy ca trù ở nhiều làng xã khác trên địa bàn của huyện, nên người trẻ biết và yêu ca trù nhiều hơn”. Nhiều nghệ nhân 70 – 80 tuổi đến dự hội thảo thừa nhận, không khí của ca trù đã trở lại như xưa.
Cốt lõi nhưng không đại chúng
Bên cạnh niềm vui ca trù đang dần lấy lại được vị trí, người ta không khỏi băn khoăn về cụm từ "cần bảo vệ khẩn cấp". Rõ ràng, nghệ nhân, nhà khoa học, người quản lý văn hóa đã trăn trở rất nhiều điều cho ca trù, nhưng 6 năm qua đi khi di sản vẫn còn “kêu cứu”. Nghệ nhân Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm CLB ca trù Thăng Long cho biết: “Trong những năm qua, CLB ca trù Thăng Long được Sở VH&TT Hà Nội hỗ trợ dụng cụ biểu diễn như: 2 cây đàn đáy, 2 trống nhỏ, 2 cỗ phách, bộ âm thanh…; kinh phí tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc… Nhưng cũng chẳng mấy ca nương được đào tạo từ CLB trụ lại được với nghề”. Chế độ đãi ngộ các nghệ nhân ca trù mấy chục năm nay chưa có gì thay đổi. Năm 2014, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc qua đời, nhiều người cảm thấy xót xa cho một con người suốt cuộc đời cống hiến cho ca trù.
TS Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Việt Nam thừa nhận: “Chúng ta chưa có một chiến lược bảo vệ ca trù cụ thể. Điều này không chỉ ở Hà Nội mà còn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành sở hữu di sản khác. Thế nhưng, Hà Nội là TP lớn, sở hữu di sản ca trù phong phú nhiều nhất phải tự xây dựng một đề án cốt lõi để từ đó nhân rộng ra các địa phương khác”.
Rất nhiều đề xuất được các nghệ nhân, chủ nhiệm CLB ca trù đặt ra. Ngoài việc đề xuất hỗ trợ kinh phí hoạt động, truyền dạy; nâng cấp một số điểm biểu diễn ca trù… nhiều nghệ nhân đề nghị đưa ca trù vào trường học. Tuy nhiên, GS Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã kịch liệt phản đối quan điểm này: “Tôi không ủng hộ chủ trương đưa ca trù vào trường học. Ca trù không phải là nghệ thuật có thể phổ cập. Hát ca trù đòi hỏi năng khiếu, không phải ai cũng có thể đàn, hát”. Thay vì muốn đại chúng ca trù, GS Tô Ngọc Thanh đề nghị Hà Nội nên xem xét xây dựng những lâu đài văn hóa nghệ thuật ca trù, vừa đạt được chiều sâu nghệ thuật vừa giữ lại được truyền thống. “Với mô hình này, rất có thể nhiều CLB không đạt chuẩn của lâu đài nghệ thuật, vì tài năng không phải cho tất cả mọi người” – GS Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh.
Hội thảo là một bước đệm để ngành văn hóa Thủ đô xây dựng đề án Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù giai đoạn 2016 – 2020. Trong đề án này, Sở VH&TT Hà Nội sẽ tập trung vào nhiều phần việc cụ thể như: Tổ chức liên hoan ca trù định kỳ 2 năm/lần, tạo điều kiện để ca trù hoạt động thường xuyên…, nhằm mục đích đưa hoạt động bảo tồn vào thực chất, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.