Theo báo cáo thẩm tra của ban Văn hóa-xã hội, UBND TP Hà Nội đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình được quy định tại Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn. Về hạ tầng kỹ thuật, 24/26 tuyến đường dự kiến đặt tên có đường, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước đạt yêu cầu theo quy định. Điểm cắt của tuyến đường, tuyến phố phù hợp với quy hoạch. Còn 2 tuyến đường chưa hoàn thành gồm: Tuyến đường dự kiến đặt tên danh nhân Võ Nguyên Giáp dài 10,5km từ cầu Nhật Tân đến nút giao Quốc lộ 18 giáo sân bay Nội Bài mới hoàn thành khoảng 6km thuộc địa bàn huyện Đông Anh. Đoạn đường còn lại thuộc địa phận huyện Sóc Sơn dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2014. Dự án này do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Tuyến đường dự kiến đặt tên danh nhân Võ Chí Công dài 4,25km từ cầu Nhật Tân đến đường Hoàng Quốc Việt hoàn thành khoảng 2km (thuộc địa bàn quận Tây Hồ). Đoạn đường còn lại (thuộc quận Tây Hồ và phường ghĩa Đô quận Cầu Giấy) đang thực hiện giải phóng mặt bằng, dự kiến thông xe tuyến đường tháng 3/2015. Dự án này do Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư. Về tên gọi, trong tổng số 26 đường, phố dự kiến đặt tên mới và điều chỉnh độ dài, trong đó có 19 đường, phố mang tên địa danh, 1 phố mang tên di tích lịch sử văn hóa, 4 đường, phố mang tên danh nhân, 2 phố điều chỉnh kéo dài. Các tên địa danh là tên cổ hoặc tên đang sử dụng nơi mà đường, phố đi qua do các quận, huyện đề nghị. Các tên danh nhân được lấy từ ngân hàng tên, được Hội Tư vấn khoa học thẩm định, UBND các quận, huyện đồng ý và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thống nhất. Trong 4 danh nhân dự kiến đặt tên có 3 danh nhân có thời gian mất chưa đủ 10 năm theo Quyết định 207/2006/QĐ-UBND ngày 27/11/2006 của UBND TP gồm: Danh nhân Võ Chí Công (3 năm), danh nhân Võ Văn Kiệt (6 năm), danh nhân Võ Nguyên Giáp (1 năm). Về cơ bản, Ban Văn hóa-Xã hội thống nhất với UBND TP trình HĐND TP thông qua Nghị quyết về việc đặt tên mới cho 24 tuyến đường và điều chỉnh độ dài cho 2 tuyến đường, phố đã có trên địa bàn thành phố Hà Nội nhưng còn một số ý kiến trao đổi sau: Về đặc cách hạ tầng kỹ thuật tuyến đường chưa hoàn thành mang tên danh nhân Võ Nguyên Giáp và danh nhân Võ Chí Công: Theo Điều 4, Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ quy định: “Tất cả các đường phố và công trình công cộng trong thành phố, thị xã, thị trấn được xây dựng theo quy hoạch đô thị, được sử dụng ổn định thì được xem xét đặt tên.”. Ngoài quy định trên, Điều 4 Quyết định 207/2006/QĐ-UBND ngày 27/11/2006 của UBND TP còn bổ sung điều kiện “có đủ điều kiện cơ bản về cơ sở hạ tầng kỹ thuật.” Đa số ý kiến cho rằng, mặc dù 2 tuyến đường chưa hoàn thành nhưng thời gian qua, nhiều cử tri trên địa bàn Thủ đô mong muốn và kiến nghị Thành phố sớm đặt tên một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của nhà nước cho các đường, phố của Hà Nội. Cử tri tại địa bàn các quận, huyện có tuyến đường đi qua đã thể hiện sự đồng thuận cao về dự kiến đặt tên đường của Thành phố. Đáp ứng nguyện vọng của cử tri và cũng để chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014), Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP tán thành việc xem xét đề nghị đặc cách đặt tên 2 tuyến đường trên của UBND TP và chỉ gắn biển tên đường khi công trình hoàn thành. Ban đề nghị UBND TP làm rõ tiến độ, giải pháp hoàn thành thông xe, gắn biển tên 2 tuyến đường được đặc cách đặt tên theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Thông báo số 750-TB/TU ngày 6/6/2014. Tính chất, tiêu chí xác định “trường hợp rất đặc biệt” được đặc cách đặt tên theo quy định tại Quyết định 207/2006/QĐ-UBND để làm cơ sở áp dụng trong các trường hợp tiếp theo. Giải pháp tuyên truyền về việc đặc cách đặt tên 2 tuyến đường chưa hoàn thành để tránh dư luận trái chiều trong nhân dân. Ban Văn hóa xã hội cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo NQ do UBND TP trình. Riêng Điều 3, Ban đề nghị bổ sung cụm từ “Phấn đấu gắn biển vào dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014) vào sau đoạn “Đối với tuyến đường mang tên danh nhân Võ Chí Công và danh nhân Võ Nguyên Giáp, giao UBND TP tổ chức gắn biển khi tuyến đường hoàn thành”. Sau khi nghe báo cáo thẩm tra, đại biểu Đặng Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP Hà Nội) cho biết: “Về cơ bản tôi thống nhất, đồng tình với tờ trình của UBND TP và báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa -xã hội. Một số cử tri tại nơi cư trú mong muốn có tên Hoàng Sa và Trường Sa tại Thủ đô Hà Nội”. Đại diện chủ tọa HĐND TP Nguyễn Văn Nam cho biết sẽ xem xét ý kiến của cử tri. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, TP sẽ phấn đấu hoàn thành, gắn biển hai tuyến đường mang tên danh nhân Võ Chí Công và danh nhân Võ Nguyên Giáp vào dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô. 24 đường phố mới gồm: - Đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ): Cho đoạn từ Cầu Nhật Tân đi qua Tây Hồ Tây (Bưởi) đến giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt, sông Tô Lịch, dài 4,5km, rộng 57,5-64,5m. - Đường Võ Văn Kiệt (huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn): Cho đoạn từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, dài 12km, rộng 7-100m. - Đường Phú Minh (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Văn Tiến Dũng- Võ Quý Huân (cạnh Nhà thi đấu quận) đến điểm giao cắt với đường liên thôn Tây Tựu. Dài 2.200m, rộng 6-7m. - Phố Tân Phong (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ cống Liên Mạc 1 (cống Chèm) đến ngã ba Viện chăn nuôi, dài 1.105m, rộng 6-7m. - Phố Viên (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ cuối đường Phan Bá Vành (cầu Noi) đến đường Cổ Nhuế (trường ĐH Mỏ-Địa chất) dài 1.200m, rộng 8m. - Phố Văn Trì (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba đường liên phường Phú Diễn-Liên Mạc (DKĐT (dự kiến đặt tên) Phú Minh), (đối diện trường Trung cấp Dược Hà Nội) đến ngã ba vào chùa Văn Trì, phường Minh Khai, dài 500m, rộng 6-7m. - Phố Ngọa Long (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt đường QL32 (cổng làng Ngọa Long) đến giao cắt với đường liên phường Phú Diễn-Liên Mạc (DKĐT Phú Minh) dài 750m, rộng 5-7m. - Đường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ cuối đường Cổ Nhuế (trường ĐH Mỏ-Địa chất) đến đường Hoàng Tăng Bí dài 1.300m, rộng 7m. - Phố Kiều Mai (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn đường từ QL32 (lối rẽ vào trụ sở Quận ủy, UBND quận Bắc Từ Liêm) đến Học viện Kỹ thuật quân sự khu Kiều Mai dài 550m, rộng 7-9m. - Phố Phú Kiều (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ phố DKĐT Kiều Mai đến Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm dài 350m, rộng 7m. - Phố Kỳ Vũ (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ đầu đường Tây Tựu (gần km3 đường 70) đến Trạm nước sạch phường Thượng Cát, dài 800m, rộng 7-10m. - Phố Trần Vỹ (quận Cầu Giấy): Cho đoạn từ ngã tư đường Hồ Tùng Mậu và Lê Đức Thọ đến ngõ 245 Mai Dịch (Tổ dân phố 54, phường Mai Dịch) nối với đường Hoàng Quốc Việt kéo dài. Dài 900m, rộng 40m. - Phố Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa): Cho đoạn đường ngã bảy Ô Chợ Dừa đến phố Hoàng Cầu dài 547 m, rộng 50m. - Phố Bắc Cầu (quận Long Biên): Cho đoạn từ ngõ 405 đường đê đến qua đường vào chùa Bắc Cầu 3, phường Ngọc Thụy, dài 1.800m, rộng 6m. - Phố Lâm Hạ (quận Long Biên): Cho đoạn từ Công ty xăng dầu Hàng không, cổng Trung tâm quản lý bay đến cuối phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề dài 800m, rộng 22m - Phố Xuân Đỗ (quận Long Biên): Cho đoạn từ đê sông Hồng cạnh miếu Xuân Đỗ và Công an phường Cự Khối đến đường gom cầu Thanh Trì, dài 1000m, rộng 5-6m. - Phố Thượng Đình (quận Thanh Xuân): Cho đoạn từ đường Nguyễn Trãi (đầu cầu vượt Ngã Tư Sở) dọc theo sườn phải sông Tô Lịch đến ngã ba đường Khương Đình (số nhà 112) gần Công ty Cao su Sao vàng, dài 800m, rộng 17m. - Phố Giáp Nhất (quận Thanh Xuân) cho đoạn từ ngã tư giao cắt phố Quan Nhân-Nguyễn Ngọc Vũ tại cầu Cống Mọc đến số nhà 46 đường Nguyễn Trãi (chân cầu vượt Ngã Tư Sở), dài 1000m, rộng 13,5m. - Đường Nam Hồng (huyện Đông Anh) : Cho đoạn từ ngã ba QL23b (thôn Vệ, xã Nam Hồng) đến ngã ba đường đi xã Bắc Hồng (thôn Tằng Mỹ, xã Nam Hồng), dài 1.800m, rộng 8,5-10,5m. - Đường Đông Hội (huyện Đông Anh): Cho đoạn từ Quốc lộ 3 (ngã ba thôn Đông Hội) đến đê sông Đuống (thôn Đông Trù, xã Đông Hội), dài 2.500m, rộng 10m - Đường Hải Bối (huyện Đông Anh): Cho đoạn từ ngã ba thôn Đồng Nhân, xã Hải Bối (cắt đường 6km đi cầu Thăng Long) đến đê sông Hồng thuộc UBND xã Hải Bối, dài 1000m, rộng 8m. - Đường Phương Trạch (huyện Đông Anh): Cho đoạn từ ngã tư thôn Phương Trạch (đối diện đường Vân Trì) đến đê Sông Hồng (đối diện cổng chào làng văm hóa Hải Bối, xã Vĩnh Ngọc), dài 1.000m, rộng 8m. - Đường Dương Xá (huyện Gia Lâm): Cho đoạn từ trường THPT Lý Thánh Tông (xã Dương Xá) đến cầu qua sông Thiên Đức (tiếp nối đường Phú Thị, Xã Dương Quang), dài 720m, rộng 8m. Điều chỉnh kéo dài 2 tuyến phố: - Phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa): Cho đoạn từ cuối phố Hoàng Cầu đến ngã tư giao cắt với phố Thái Hà và Yên Lãng (số nhà 220 phố Thái Hà), dài 559 m, rộng 46m. - Phố Nguyễn Văn Trỗi (quận Hà Đông): Cho đoạn từ cuối phố Nguyễn Văn Trỗi đễn ngã ba giao cắt với đường 36m, phường Mộ Lao, dài 570m, rộng 5,5m.