Đây là dự án được Sở LĐTB&XH Hà Nội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ký kết ngày 23/11/2017, nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em (TE) trên địa bàn TP Hà Nội.
Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái thông tin, trong tổng số 1,86 triệu TE trên địa bàn TP có 853.000 TE dưới 6 tuổi, với 14.261 TE có hoàn cảnh đặc biệt và 35.221 TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trong những năm qua, các chính sách, chương trình, dự án về bảo vệ, chăm sóc TE được triển khai, thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Các quyền trẻ em cơ bản được thực hiện. Toàn TP có 543/584 xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường phù hợp với TE. 99,3% TE có hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau. 100% TE hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, trên 99% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vacxin phòng bệnh; tỉ lệ huy động TE đi học đúng độ tuổi, từ 6 – 16 tuổi đạt 100%...
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc TE của TP Hà Nội đang gặp phải những khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết. Đơn cử như, công tác quản lý, can thiệp trợ giúp một số nhóm TE có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt còn chưa đảm bảo. Trong đó, có số TE tham gia vào hoạt động kinh tế và lao động TE.
Nhận thức ảnh hưởng tiêu cực của lao động TE, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình 1023/QĐ-TTg ngày 7/6/2016 về phòng ngừa, giảm thiểu lao động TE giai đoạn 2016-2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 205/KH-UBND ngày 9/11/2016 về thực hiện Chương trình ngăn ngừa và giảm thiểu lao động TE trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Để thực hiện các mục tiêu của Chương trình đạt hiệu quả, TP sẽ tập trung thực hiện 4 nội dung. Thứ nhất, làm tốt công tác thu thập thông tin, quản lý TE tham gia lao động, TE có nguy cơ và TE lao động trái quy định của pháp luật. Thứ hai, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành, tổ chức, người sử dụng lao động, xã hội, cha mẹ và TE về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng TE tham gia lao động, TE có nguy cơ và TE lao động trái quy định của pháp luật.
Thứ ba, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức làm nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc giáo dục TE các cấp. Thứ tư, xây dựng thí điểm mô hình hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu lao động TE.
UBND TP cũng chỉ đạo thực hiện 4 nhóm giải pháp để thực hiện 4 nội dung trên nhằm đảm bảo hiệu quả của Chương trình 1023 của Thủ tướng Chính phủ.
Hà Nội là một trong 3 địa phương được Bộ LĐTB&XH lựa chọn làm địa bàn thực hiện Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam” do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức ILO. Tại sự kiện hôm nay, ông Hoàng Thành Thái cho biết, với trách nhiệm là đơn vị được UBND TP giao làm đầu mối thực hiện, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ cùng với 4 huyện (Thạch Thất, Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức), 9 xã trên địa bàn Dự án và phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan tổ chức có liên quan sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Dự án.
“Chúng tôi rất tin tương những kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết tình trạng lao động TE sẽ được tiếp thu, ứng dụng phù hợp với thực tế của TP. Và, từ thực tế, chúng ta sẽ có những sáng kiến mới giúp cho việc giải quyết lao động TE đạt được kết quả thật sự bền vững”- ông Thành Thái nhấn mạnh.
Tại lễ công bố, ông Kiều Đức Nhã – Phó Phòng LĐTB&XH Thạch Thất – một trong 4 huyện triển khai Dự án, cho biết: Thạch Thất sẽ phối hợp với Tổ chức ILO và Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung dự án đến những đối tượng hưởng thụ. Huyện sẽ rà soát, kịp thời phát hiện các trường hợp sử dụng lao động TE cũng như các nguy cơ lao động TE để có biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời.. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách, pháp luật liên qua đến lao động TE; sử dụng nguồn kinh phí hiệu quả, đúng mục đích…