Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội công bố Quy hoạch tổng thể Khu di tích thành Cổ Loa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/10, tại huyện Đông Anh, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2.000).

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, Khu di tích Quốc gia đặc biệt thành Cổ Loa có một ý nghĩa rất quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa vô giá của dân tộc ta và của Thủ đô Hà Nội. Việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ, kiến trúc của Khu di tích để tuyên truyền và lưu lại cho các thế hệ mai sau là nhiệm vụ của mỗi người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Với ý nghĩa đó, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan lập Đồ án quy hoạch tổng thể Khu di tích thành Cổ Loa.

Việc phê duyệt Quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai kế hoạch tổng thể, các dự án đầu tư nhằm thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích cũng như xây dựng Khu di sản thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn của thủ đô Hà Nội như mục tiêu đã đề ra.

Đồ án được phê duyệt đáp ứng được mong mỏi của nhân dân sống trong khu vực di tích, làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của vùng, cụ thể hóa những định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa.
Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa.
Để triển khai nội dung Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP Hà Nội yêu cầu tập trung tổ chức kịp thời, có hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của Bộ Xây dựng, khẩn trương lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực Thành Nội để đảm bảo ổn định cuộc sống của cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu di tích.

Đồng thời, tập trung chỉnh trang hạ tầng, cảnh quan, bảo tồn các di tích như Đình, Đền, Am tại khu vực trung tâm và xây dựng khu trưng bày để phục vụ khách tham quan; lựa chọn khu vực Thành, Hào đặc trưng để bảo tồn, phục dựng lại phục vụ mục đích quảng bá cộng đồng, khai thác du lịch.

UBND huyện Đông Anh và các xã nằm trong khu vực thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, giám sát việc sử dụng đất và chống lấn chiếm trong khu di tích.

Trước đó, ngày 3/7/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) với quy mô 860,4ha (vùng Lõi 31,2ha; vùng Trung 225,3ha; vùng Ngoại 247,3ha; vùng Biên 356,6ha).

Theo đó, phạm vi quy hoạch thuộc các khu vực liên quan đến Khu di tích Thành Cổ Loa và phụ cận thuộc địa bàn các xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội).

 Mục tiêu của Quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh Khu di tích Thành Cổ Loa trở thành Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn của Thủ đô Hà Nội, phù hợp với quy hoạch phân khu tại khu vực và quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất và bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát triển Khu di tích Thành Cổ Loa; Định hướng kế hoạch tổng thể quản lý và đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa Khu di tích Thành Cổ Loa; Xác định lộ trình và các nhóm giải pháp chính để triển khai các dự án; Làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang tổng thể không gian Khu di tích theo Quy hoạch; Quản lý kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan Khu di tích, các biện pháp bảo vệ di tích, hạn chế tăng trưởng dân số và tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp, cơ quan liên quan.

Khái toán kinh phí thực hiện là khoảng 7.400 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách được ưu tiên để triển khai các chương trình phát triển hạ tầng; nhà ở, giãn dân, tái định cư; bảo tồn giá trị di sản vật thể và phi vật thể. Chính phủ khuyến khích huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các chương trình.

Định hướng quy hoạch khu di tích thành Cổ Loa sẽ dần chuyển đổi từ vùng dân cư nông thôn nội thành Hà Nội sang mô hình “Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn”, trong đó ngành kinh tế chủ đạo là phát triển dịch vụ và du lịch dựa trên bảo tồn và khảo cổ học.

 Dự kiến đến năm 2020, quy mô khách du lịch đến Khu di tích Cổ Loa là 229.000 lượt khách/năm; năm 2030 đạt 373.000 lượt khách/năm.