Tuy nhiên, để có đủ thông tin mức ô nhiễm như thế nào tại từng địa điểm, nguy hại đối với sức khỏe con người ra sao... vẫn là những câu hỏi mà nhiều người dân muốn có được thông tin chính thức từ những cơ quan chức năng của TP.
Nguy hiểm từ ô nhiễm bụi mịn
Trong thời gian qua, các trang tin tức và mạng xã hội lên tiếng cảnh báo về một hiểm họa môi trường đang trực tiếp đe dọa cuộc sống của người dân Hà Nội - đó là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 trong không khí. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa tăng tiếp xúc hàng ngày với bụi PM2,5 với tăng số trường hợp nhập viện do bệnh hô hấp và tim mạch, viêm phế quản mãn tính, suy giảm chức năng phổi và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim. Để đánh giá mức độ ô nhiễm phân tử do bụi mịn PM2,5 tạo ra, các nhà khoa học dùng chỉ số chất lượng không khí – AQI (Air Quality Index: số hạt bụi PM2,5 có trong một mét khối không khí). Chất lượng của không khí được đánh giá theo chỉ số AQI như sau: Màu xanh (giá trị AQI từ 0 - 50) là nơi chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Màu vàng (51 - 100) là mức trung bình, người dân nên hạn chế thời gian bên ngoài. Màu da cam (101 - 200) ứng với chất lượng không khí ở mức kém. Màu đỏ (201 - 300) là mức xấu. Màu nâu (từ 301 trở lên) là mức nguy hại, người dân nên ở trong nhà.
Trong mấy năm gần đây, trang web đánh giá chỉ số chất lượng không khí aqicn.org thường xuyên hiển thị mức ô nhiễm PM2,5 là trên 150 ở Hà Nội. Nhiều thời điểm, chất lượng không khí ở mức rất nguy hiểm với chỉ số PM2.5 lên đến trên 250 hoặc trên 300. Gần đây nhất, vào sáng 5/10/2016, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng đã có cảnh báo về chỉ số chất lượng không khí xung quanh nơi đặt thiết bị quan trắc tại Láng Hạ, quận Ba Đình ở mức người dân được khuyên nên hạn chế, thậm chí tránh ra ngoài đường để không gặp vấn đề về sức khỏe.
Chung tay kéo giảm tình trạng ô nhiễm
Mặc dù đã có một số trang web, cơ quan cung cấp các số liệu về chất lượng không khí tại Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn hoài nghi về những thông tin được cảnh báo. Bắt đầu từ ngày 9/1/2017, người dân Thủ đô và du khách chính thức được cung cấp trực tuyến thông tin về chỉ số quan trắc môi trường tự động trên Cổng giao tiếp điện tử của TP tại địa chỉ: https://hanoi.gov.vn/quantracmoitruong.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, hiện môi trường không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm đã có lúc, có nơi lên đến chỉ số đỏ, do đó không thể lơi là. Việc TP Hà Nội cung cấp các chỉ số về chất lượng không khí, khu vực đang có mưa và úng ngập cho người dân qua Cổng giao tiếp điện tử của TP là một bước đi tốt về mặt thông tin trong quá trình từng bước giảm thiểu ô nhiễm. “Để phát triển bền vững, các thông tin về môi trường dù là tích cực hay tiêu cực cũng cần được công khai. Có như vậy, Hà Nội mới có thể kêu gọi người dân cùng chung tay với chính quyền TP kéo giảm tình trạng ô nhiễm một cách nhanh và hiệu quả nhất. Hành động để giảm ô nhiễm môi trường không chỉ là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo mà nó còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức người dân” – ông Võ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Dương Đức Tiến – Phó Chủ tịch Hội các ngành sinh học Hà Nội cho rằng, thời gian qua, TP cố gắng xây dựng hệ thống quan trắc và cung cấp thông tin các chỉ số môi trường là một động thái chứng tỏ chính quyền ngày một quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sống của người dân. Đây là việc làm rất đáng hoan nghênh và thời gian tới, không chỉ cung cấp thông tin, TP cần hướng dẫn người dân xử lý thế nào khi khu vực họ sinh sống được thông báo có chỉ số ô nhiễm không khí cao.
Thời gian qua Hà Nội đã đầu tư lắp 10 trạm quan trắc không khí. Tuy nhiên với địa bàn rộng, TP cần lắp đặt thêm nhiều trạm quan trắc tại nhiều địa điểm và thông tin bằng nhiều kênh hơn nữa đến người dân. Khi mọi người dân đều thấy được mức báo động về môi trường sống xung quanh thì họ sẽ có ý thức hơn trong việc giữ gìn. Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ |