Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngoài Luật Công nghệ cao, đến nay, T.Ư đã ban hành 19 văn bản, TP Hà Nội đã ban hành 14 văn bản về các cơ chế, chính sách về ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, toàn TP đã hình thành được 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như: Trang trại Hoa Viên (Thạch Thất), sản xuất hoa lan Hồ Điệp (Đan Phượng), nấm Kinoko Thanh Cao (Mỹ Đức)… Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy quy mô còn hạn chế, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 25% so với canh tác truyền thống.
Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đã xây dựng và duy trì được 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. Các chuỗi có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, tham gia hợp tác xây dựng chuỗi… Đến nay, đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu tập thể được bảo hộ, điển hình là: Gà đồi Ba Vì – Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo Bối Khê...
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội nhìn chung còn ở quy mô nhỏ. Việc ứng dụng công nghệ cao vào khâu bảo quản, chế biến còn hạn chế. Tổ chức liên kết trong sản xuất, kinh doanh chưa bảo đảm tạo ra sức mạnh tổng hợp. Bên cạnh đó, công tác dự báo thị trường và tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn…
Tại hội thảo, đại biểu đại diện cho các sở ngành, một số địa phương, hộ nông dân, hợp tác xã đã chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cho hiệu quả cao. Đồng thời, thẳng thắn chia sẻ một số tồn tại, bất cập và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, nhiệm vụ đột phát từ nay đến năm 2020 của ngành nông nghiệp Thủ đô là đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng tái cơ cấu; sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ kế hoạch tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2016 – 2020; đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất. Tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp. Cùng với đó, tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, tiêu thụ nông sản…