Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết Quý Mão 2023

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, để chủ động nguồn nông sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân, Hà Nội đã và đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường.

Sơ chế rau an toàn tại HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức. Ảnh: Ánh Ngọc
Sơ chế rau an toàn tại HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức. Ảnh: Ánh Ngọc

Gia tăng sản xuất, tái đàn

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, từ cuối tháng 9/2022, đơn vị đã có kế hoạch gia tăng, mở rộng sản xuất đối với các loại rau củ như: Su hào, bắp cải, cà chua, súp lơ và nhóm rau gia vị để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

“Trung bình một ngày, HTX xuất ra thị trường 40 tấn rau các loại, nhưng theo như thường lệ những năm gần đây, cứ khoảng 2 tháng trước Tết Nguyên đán, HTX cung ứng trên 50 tấn rau/ngày. Trong đó, khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn TP, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Sản lượng này được tính toán dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất của HTX” - ông Nguyễn Văn Minh cho hay.

Thu hoạch bưởi tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ánh Ngọc
Thu hoạch bưởi tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ánh Ngọc

Những ngày này, HTX Chăn nuôi Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) đang tập trung chăm sóc bảo đảm tổng đàn lợn để cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích theo đơn hợp đồng đã ký từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão.

Giám đốc HTX Chăn nuôi Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường cho hay, HTX đang phát triển sản xuất theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, đến sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm, duy trì hệ thống chuồng nuôi quy mô mỗi hộ khoảng 300 con lợn. Mỗi tháng, HTX cung cấp 30 tấn sản phẩm thịt lợn và 4 - 7 tấn sản phẩm giò, chả, xúc xích, tùy thời điểm. Đây cũng là nông dân ở các vùng nuôi trồng thủy sản lớn của TP như: Ứng Hòa, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai Phú Xuyên... đang tập trung chăm sóc lứa cá để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2023.

Anh Nguyễn Văn Thanh (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Với hơn 2ha mặt nước nuôi cá trắm và cá chép, ước tính năm nay tôi xuất bán được khoảng 30 tấn cá, trong đó bao gồm cả vụ cá khoảng 15 tấn phục vụ thị trường Tết”.

Đặc biệt, đối với nguồn cung thịt lợn, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán 2023 vẫn cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, trước diễn biến của giá thịt lợn trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đang theo dõi sát, thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, dịch bệnh để nhận định năng lực cung ứng cũng như kiểm soát giá cả mặt hàng này.

Thu hoạch cá trắm thương phẩm tại Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Ánh Ngọc
Thu hoạch cá trắm thương phẩm tại Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Ánh Ngọc

Nắm bắt nhu cầu, kiểm soát chặt thị trường

Hiện tại, giá cả phần lớn mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường tương đối ổn định. Tuy nhiên, vào thời gian cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau xanh) sẽ tăng cao.

Do đó, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các đơn vị tham gia kinh doanh, phục vụ hàng hóa nông sản thiết yếu cần bám sát thực tế, theo dõi sát nhu cầu thị trường để chủ động, chuẩn bị lượng hàng hóa đầy đủ, kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

 

Hiện sản lượng gia cầm, thủy sản đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân; sản lượng gạo, rau, quả, thịt lợn, thịt gà… đáp ứng 70 - 90%. Riêng nguồn cung thực phẩm chế biến mới đáp ứng được hơn 20% nhu cầu. Những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu nông sản sẽ tăng 20 - 30%. Do đó ngành nông nghiệp đã tính toán và có kế hoạch bài bản để triển khai các giải pháp sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

Đáng chú ý, trên cơ sở đánh giá nguồn cung cầu nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP, Hà Nội đang đẩy mạnh kết nối với 21 tỉnh, thành cung cấp nguồn thực phẩm sạch từ 159 chuỗi liên kết đã duy trì hiệu quả trong thời gian qua.

Song song với đó, TP cũng đẩy mạnh hỗ trợ triển khai hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành nhằm tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng, Hòa Bình là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản được người tiêu dùng Hà Nội biết đến. Thời điểm này, các HTX, DN của tỉnh đang cấp tập lên đơn hàng trực tuyến, đóng gói sản phẩm cá sông Đà, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, gà đồi, rau hữu cơ để cung cấp cho thị trường Hà Nội dịp cao điểm tiêu thụ trong năm.

Ở góc độ DN, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho hay, với 6 cửa hàng cung ứng nông sản an toàn tại Hà Nội, công ty đã ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn TP từ đầu quý III/2022. Xác định dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023 là thời điểm “vàng” của năm, nên công ty tập trung vào thế mạnh sản phẩm đặc sản vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tăng doanh số bán hàng.

Nhằm ngăn chặn nguồn nông sản hàng hóa kém chất lượng ra thị trường khi nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng cao, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, lực lượng chức năng ngành nông nghiệp thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu giám sát để kịp thời xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm. Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế trong sản xuất, chế biến thực phẩm như: GAP, HACCP, ISO 22000...