Cải thiện điều kiện dạy - học Phải thừa nhận, năm học 2015 - 2016, Hà Nội đã khá thành công với mục tiêu tiếp tục cải thiện điều kiện dạy và học cho thầy và trò. Cơ sở vật chất các nhà trường đều được tăng cường đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập và đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn hội nhập. So với năm học trước, quy mô giáo dục tăng hơn 48 trường, trong đó xây mới được 42 trường, gần 1.000 phòng học với kinh phí trên 1.200 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý của Hà Nội trong năm học vừa qua là lần đầu tiên áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến trong tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2016 - 2017. Đây không chỉ là việc hưởng ứng chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, mà còn là cách tạo nên sự minh bạch, công khai và chính xác trong tuyển sinh.
Tuy nhiên, ông Chử Xuân Dũng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thẳng thắn, giáo dục Hà Nội vẫn còn những bất cập nhất định, cần nghiêm túc khắc phục trong thời gian tới. “Trình độ đội ngũ, chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch, chưa đồng đều giữa các trường; Việc thực hiện các quy định về tài chính, quản lý thu – chi, dạy thêm học thêm tại một số đơn vị chưa đúng, tạo dư luận không tốt trong phụ huynh. Ở một số huyện còn tồn tại phòng học cấp 4 và tình trạng nhà vệ sinh dành cho HS chưa đạt tiêu chuẩn…" - ông Dũng cho biết. Để giải quyết những khó khăn, nâng chất lượng dạy – học, lãnh đạo Sở GD&ĐT khẳng định tới đây sẽ rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp, đổi mới trong công tác quản lý, đầu tư cơ sở vật chất và tăng nguồn nhân lực cho phát triển giáo dục… Ưu tiên cơ sở vật chất Dù năm học 2016 - 2017 này, ngành giáo dục tự tin với quy mô hơn 2.600 trường học và hơn 1,7 triệu HS, song việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, trong đó có hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn vẫn được TP ưu tiên đặc biệt. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, giáo dục Hà Nội luôn đứng đầu, là vai trò đầu tàu về giáo dục, tuy nhiên, việc đầu tư cho giáo dục hiện nay của Hà Nội chưa đáp ứng được thực tế. Vì vậy, từ đầu năm 2016, TP đã đầu tư xây mới 26 trường học và ngay tháng 9 tới sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 40 trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia, thậm chí là trên chuẩn để làm mô hình mẫu cho các trường học xây mới tiếp theo. Bên cạnh đó TP cũng tiến hành rà soát quỹ đất tại tất cả các quận, huyện để xây trường, trong đó, mới nhất là quyết định lấy 3.000m2 đất của một dự án sau nhiều năm không triển khai ở trung tâm Hà Nội để đầu tư xây trường học. “40 trường khởi công vào tháng 9 tới sẽ phải hoàn thành trước tháng 8/2017, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn về môi trường học tập” – Chủ tịch yêu cầu. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, bên cạnh những nhiệm vụ mà Chính phủ, Bộ GD&ĐT giao, ngành giáo dục Hà Nội phải tạo ra những điểm nhấn của Thủ đô. Một trong những điểm nhấn đó là trồng hơn 28.000 cây xanh trong trường học, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp tại 2.622 trường học trên toàn TP. “Tôi đã nhận được nhiều phản ánh từ phụ huynh về việc HS phải nhịn đi vệ sinh ở trường do khu vệ sinh trường học không đảm bảo. Để khắc phục vấn đề này, dự án cải tạo hệ thống nhà vệ sinh trường học đã được khởi động với việc TP đặt hàng hệ thống toilet riêng cho HS. Cùng với đó, hệ thống nước sạch trong trường học cũng được đầu tư nhằm đảm bảo đủ nước uống hàng ngày cho HS. Bên cạnh nâng chất lượng dạy – học, cần phải quan tâm đến sức khỏe con em chúng ta” – Chủ tịch UBND TP khẳng định. Yêu cầu quản lý giáo dục bằng công nghệ thông tin cũng là một nhiệm vụ được đặt ra trong năm học 2016 - 2017 trước mắt. Theo đó, từ ngày 5/9, Hà Nội sẽ áp dụng học bạ điện tử. Việc này sẽ giúp chấm dứt tình trạng sửa chữa điểm và quan trọng hơn là tạo ra một kho dữ liệu con người khổng lồ. Do đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các nhà quản lý, hiệu trưởng các trường phổ biến cho giáo viên hiểu tầm quan trọng của việc này. Trong dịp này, 82 tập thể và 118 cá nhân đã được nhận Bằng khen của UBND TP; 40 tập thể được tặng cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua” và 375 tập thể được tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao cờ thi đua của TP cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Phạm Hùng |
Chiều cùng ngày, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết năm học 2015 – 2016, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016 - 2017 cấp THCS và hệ giáo dục thường xuyên. Nhiệm vụ đặt ra cho cấp THPT mà các quận, huyện và nhà trường cần thực hiện trong năm học tới là tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy – học; đổi mới hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá... Đặc biệt, sẽ thực hiện Sổ điểm điện tử với mục đích giảm áp lực cho giáo viên, đồng thời tăng cường công tác quản lý, tránh xảy ra tiêu cực trong sửa chữa điểm. Nhiệm vụ đặt ra đối với giáo dục thường xuyên là tiếp tục duy trì phong trào “Mỗi giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên giúp đỡ một học viên có học lực yếu, kém hoặc học viên chưa ngoan” tại đơn vị mình đang công tác. Các đơn vị cần quy định rõ trách nhiệm của giáo viên về chất lượng và sự tiến bộ của học viên lớp mình phụ trách, bộ môn trực tiếp giảng dạy... |