Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Đẩy mạnh CCHC, mang tiện ích đến với người dân

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 10 bậc, xếp thứ 14, Chỉ số mức độ sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vươn lên thứ 2, theo công bố mới đây, Hà Nội có Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 tăng 6 bậc, xếp thứ 3 cả nước.

 8 tháng qua, Thủ đô tiếp tục đạt kết quả khả quan trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhờ tăng cường ứng dụng CNTT hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, mang tiện ích từ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đến với người dân…
Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng
Cùng các phường, xã khác, Thanh Xuân Trung chính thức vận hành DVC mức độ 3 từ 10/8/2016 để tiếp nhận, giải quyết TTHC lĩnh vực tư pháp. Qua một năm, bộ phận một cửa (BPMC) đã giải quyết gần 700 hồ sơ theo DVC mức độ 3, đạt 100% tổng hồ sơ tiếp nhận lĩnh vực này. Trong đó, hơn 60% do người dân tự đăng nhập bằng thiết bị cá nhân. Đồng thời, phường vẫn duy trì hiệu quả Khu dân cư (KDC) điện tử Hapulico, giúp người dân không phải ra phường mà chỉ cần ra ngay gần nhà, được hướng dẫn nộp trực tuyến.
Không chỉ Hapulico, quận Thanh Xuân cũng như các quận Hà Đông, Long Biên… đang vận hành tốt nhiều KDC điện tử, điểm truy cập internet miễn phí tại địa bàn dân cư. Hay tại Ba Đình, quận đang triển khai dựng clip giới thiệu DVCTT tại phường, đưa lên YouTube, Facebook... Tất cả đều nhằm dần tạo thói quen, tiến tới người dân tự nộp hồ sơ bằng máy tính hay smartphone ngay từ nhà, nơi làm việc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra công tác thực hiện CCHC tại Cục Thuế Hà Nội ngày 18/4. Ảnh: Phạm Hùng

Ngay khi triển khai DVCTT mức độ 3, đầu tháng 9/2016, phường Vạn Phúc cũng vận hành 2 điểm truy cập internet tại KDC, bố trí đoàn viên trực, cùng máy móc, bảng danh mục TTHC cấp phường, quận. Kể cả buổi tối, thứ Bảy, Chủ nhật, người dân cần giải quyết TTHC, đoàn viên sẽ tới giúp nộp hồ sơ trực tuyến. Cán bộ phường nhận hồ sơ qua mạng sẽ hẹn ngày trả, công dân chỉ cần mang giấy tờ gốc ra phường đối chiếu, nhận kết quả. Mỗi tháng, phường tiếp nhận 30 - 40 hồ sơ hành chính theo DVCTT, với 99% được giải quyết đúng hạn, trong đó 25% do người dân nộp từ nhà. Từ đó, UBND quận Hà Đông đã yêu cầu đồng loạt mỗi phường có tối thiểu 2 điểm truy cập.
Không chỉ khối quận, phường vốn được xem là “gần trung tâm”, dân trí cao, hạ tầng đồng bộ hơn, mà tại nhiều huyện, xã, vượt qua nhiều khó khăn, đến nay, việc thực hiện DCVTT cũng đạt kết quả khả quan. Theo Phòng VHTT huyện Hoài Đức, không như ban đầu thiếu máy móc, cán bộ lúng túng…, nay hệ thống hạ tầng cho DVCTT mức 3 cơ bản “chạy” tốt. 20 xã/thị trấn đều có cán bộ nắm chắc quy trình DVCTT, bố trí máy tính ra phía ngoài để hướng dẫn người dân. 8 tháng qua, 20 xã/thị trấn đã tiếp nhận gần 3.000 hồ sơ khai sinh, khai tử, với 100% sử dụng DVC mức 3, trong đó gần 20% do người dân tự nộp.
Nhiều thủ tục hành chính sẽ được trả kết quả tận nhà
Về kết quả xây dựng chính quyền điện tử, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng nhận định: Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân, DN, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC ngày càng được tăng cường. Hà Nội hiện đứng đầu về số hồ sơ giao dịch qua mạng, là địa phương duy nhất cung cấp DVC mức 3 về tư pháp đồng bộ tới 100% xã/phường, có liên thông với Bảo hiểm xã hội và Công an trên cơ sở khai thác dữ liệu dân cư.
Năm nay, TP phấn đấu hoàn thành ít nhất 55% DVCTT đạt mức độ 3; công tác ứng dụng CNTT sẽ là khâu đột phá trong các tháng cuối năm, với những giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả DVCTT mức 3, tăng DVCTT mức 4. Vì vậy, việc tuyên truyền tới người dân sẽ phải được chú trọng hơn nữa.
Thực hiện chủ trương áp dụng DVCTT mức 4 để tiếp nhận, giải quyết các TTHC thiết thân với người dân, tiếp sau Long Biên, Nam Từ Liêm đã trả kết quả khai tử tại nhà, nhiều quận/huyện, phường/xã cũng đang nghiên cứu một số mô hình. Như tại Hoài Đức, Phòng VHTT vừa đề xuất nâng 18 TTHC mức 3 cấp huyện và xã hiện nay, cùng một số TTHC khác lên mức 4. UBND huyện, xã sẽ ký hợp đồng để nhân viên Bưu điện hàng ngày qua BPMC lấy kết quả mang tận nhà cho công dân. Người dân nộp phí bưu điện và lệ phí cho ngân sách (nếu TTHC quy định). “Sau khi lãnh đạo huyện đồng ý, chúng tôi sẽ triển khai ngay trong tháng 9 - 10/2017”, Phó Trưởng phòng VHTT Nguyễn Viết Thanh khẳng định và cho biết thêm: Huyện cũng thí điểm một số KDC điện tử tại những chung cư đông dân, tiến tới có nhân viên trả kết quả tận nhà hoặc KDC đó.
Hay tại phường Thanh Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Đỗ Thúy Huyền cho biết: UBND phường ngay đầu quý IV/2017 sẽ gửi thông báo đến các hộ dân để triển khai trả kết quả khai tử tại nhà. Từ trước tới nay, mỗi khi cán bộ nhận hồ sơ khai tử, lãnh đạo phường luôn ký sớm để trả kết quả ngay trong buổi. Đồng thời, phường đang xem xét kết nối các cửa hàng photocopy để người dân ra nộp trực tuyến, bởi ở đó luôn sẵn máy scan.
Dù các địa phương không ngừng nỗ lực, nhưng vẫn còn một số vướng mắc mà theo cán bộ cơ sở, cần sớm được tháo gỡ thì mới đẩy nhanh thực hiện DVCTT mức 3, 4. Trong đó, phần mềm Esam còn nhiều lỗi, nên đăng nhập rất mất thời gian. Hàng tháng, các phường đã báo cáo quận và TP, nhưng chưa được khắc phục đáng kể, nên mong TP tăng biện pháp đảm bảo vận hành tốt. Còn theo UBND TP, sự tham gia của người dân với DVCTT mức 3, 4 đến nay còn hạn chế.
Hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các quận, huyện, nhất là cấp xã đôn đốc cán bộ dự tập huấn nghiêm túc để đáp ứng việc TP ngày càng ứng dụng CNTT mạnh mẽ, trong đó xác định “học để làm việc chứ không để lấy chứng chỉ”. Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị rà soát toàn bộ để tiếp tục đơn giản hóa, cắt bỏ những TTHC không cần thiết, trong đó đặc biệt chú ý quy trình giải quyết tại BPMC. Với thủ tục cấp phép xây dựng, kinh doanh, chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu… đều tiến tới phải được đăng ký qua mạng.
Gần đây, tôi ra UBND phường làm TTHC, luôn được cán bộ nhiệt tình hướng dẫn nộp trực tuyến và hẹn trả kết quả sớm, rất đơn giản, nhanh gọn. Tôi thấy đây là cải cách lớn, rất tiện lợi, giúp người dân đỡ đi lại nhiều, lại tránh được nhũng nhiễu từ phía cán bộ, nên mong chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người biết, sử dụng dịch vụ.
Ông Đặng Văn Sơn
(Chi bộ 8, phường Đội Cấn, quận Ba Đình)

Đến nay, TP đã triển khai Cổng DVCTT cung cấp DVC mức 3, 4 tới 100% quận/huyện, xã/phường, với 391 DVCTT mức 3, 4, đạt 20,4% tổng TTHC của cơ quan nhà nước TP, trong đó 44 DVC cấp huyện, 25 DVC cấp xã. Tỷ lệ giao dịch qua mạng của một số DVC đạt cao, như: Lĩnh vực tư pháp cấp xã, huyện đạt trên 90%; thuế 97%; hải quan 100%...
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng

Với trên 6.000 dân, dù thị trấn đã tích cực tuyên truyền, song với đặc thù dân nông thôn hạn chế nhận thức, trình độ, nên hiệu quả thực hiện DVCTT chưa cao như mong đợi, còn nhiều trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ tại BPMC. Vì vậy, cán bộ vẫn cố gắng vận động họ đăng nhập trực tuyến tại BPMC và tới đây chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền hơn.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) Bùi Thế Gia