Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đẩy mạnh hợp tác công tư tạo đột phá trong ngành chăn nuôi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tăng cường hợp tác giữa khối công và khối tư trong ngành chăn nuôi, ngày 16/3, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị “Thúc đẩy hợp tác công - tư trong công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi”.

DN còn nhiều khó khăn

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến thời điểm tháng 2/2023, tổng đàn trâu trên địa bàn có 28,7 nghìn con, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 128,4 nghìn con, giảm 0,1%; đàn lợn 1,4 triệu con, tăng 3,7%; đàn gia cầm 38,7 triệu con, tăng 0,5% (đàn gà 26,2 triệu con, tăng 0,6%).

Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 2 tháng đầu năm 2023 đạt 343 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò 1,9 nghìn tấn, tăng 0,5%; thịt lợn 40,6 nghìn tấn, tăng 5,7%; thịt gia cầm 27,3 nghìn tấn, giảm 0,4%; trứng gia cầm 464 triệu quả, tăng 4,3%.

Ngành chăn nuôi TP hướng đến các mô hình chăn nuôi lớn, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đang từng bước tiến tới quy hoạch chăn nuôi gắn với giết mổ, sơ chế, chế biến nhằm phát triển các chuỗi và cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô. Đến nay, Thành phố đã quy hoạch các vùng chuyên canh, tập trung và trang trại quy mô lớn, với 162 xã chăn nuôi trọng điểm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường phát biểu tại hội nghị
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường phát biểu tại hội nghị

Ngành chăn nuôi thành phố tiếp tục xây dựng, duy trì và phát triển 53 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Trong đó các chuỗi đã thu hút nhiều DN, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác, xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được nhiều nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình...

Bước đầu đã tạo ra các sản phẩm chăn nuôi an toàn được kiểm soát chất lượng ở tất cả các khâu; giúp các tác nhân sản xuất nâng cao ý thức sản xuất đảm bảo an toàn, có trách nhiệm đối với người sử dụng. Tạo ra một hướng mới trong phát triển chăn nuôi tại Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng.

Tuy nhiên, thực tế ngành chăn nuôi vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô liên kết chủ yếu là vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại chưa phát triển đồng bộ, nhất là các huyện ngoại thành. Việc quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung ở một số địa phương chưa được quan tâm, chưa có nhiều vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao...

Chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tế, Chủ tịch Chuỗi thực phẩm sạch Organic green Nguyễn Văn Chữ cho biết, hiện nay thói quen tiêu dùng đối với thịt mát, thịt cấp đông ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ sản phẩm. Bản thân chính sách của Nhà nước cũng đang đánh đồng giữa sản phẩm chuỗi và không theo chuỗi. Vì vậy, cần có các chính sách ưu tiên, hỗ trợ sản phẩm sản xuất theo chuỗi được tiêu thụ vào hệ thống công như trường học, bệnh viện….

Cũng kiến nghị các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo chuỗi, Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Trọng Long bày tỏ, làm chuỗi an toàn nhưng đầu ra sản phẩm không an toàn, vì vậy bản thân người làm chuỗi không có động lực.

Ông Nguyễn Trọng Long kiến nghị, cần có chính sách khuyến khích làm nhà tầng để tối giản diện tích chăn nuôi. Ngoài ra, tiêu chuẩn đưa ra đối với xử lý môi trường chăn nuôi đang quá cao. So với giá thành sản phẩm chăn nuôi thời điểm này, nếu áp dụng đúng quy trình thì người chăn nuôi sẽ bị thua lỗ. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước nên hạ bớt tiêu chí, tạo điều kiện cho người chăn nuôi sản xuất.

Nhà nước và DN cần chung tay

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho biết, chưa bao giờ ngành chăn nuôi khó khăn như thời điểm này.

Khó khăn thứ nhất là không gian chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp, trong đó Hà Nội có mật độ chăn nuôi cao nhất cả nước; tiếp đến là chi phí sản xuất tăng, không chủ động được nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; đầu ra sản phẩm đang chịu áp lực từ sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, ngành chăn nuôi còn đối mặt với các thách thức về an toàn thực phẩm, môi trường chăn nuôi, đối xử nhân đạo trong chăn nuôi…

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, để tháo gỡ những khó khăn trên không thể 1 đơn vị hay 1 DN làm được, mà các DN tham gia cùng phải làm và người đứng đằng sau hỗ trợ là Nhà nước, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư. Trong đó Nhà nước giúp về kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Đại biểu tham luận tại hội nghị
Đại biểu tham luận tại hội nghị

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, Hà Nội có đủ điều kiện để đẩy mạnh hợp tác công - tư trong phát triển ngành chăn nuôi. Bởi đây là trung tâm của cả nước, có đầy đủ nhân lực, vật lực, dân trí, khát vọng, các tổng công ty, viện, trường… Để khuyến khích DN tham gia vào các chuỗi giá trị, thì những chính sách hỗ trợ không đưa trực tiếp cho người chăn nuôi nữa mà thông qua các hợp tác xã, DN, giúp DN có quầy hàng.

Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đại diện Sở Công Thương cho biết, thời gian qua Sở đã thường xuyên giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm chuỗi vào hệ thống phân phối tiêu thụ. Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên thông tin các sự kiện kết nối giao thương cho DN, HTX tham gia.

Đồng thời thông tin, hướng dẫn DN, HTX các yêu cầu mà kênh phân phối đặt ra. Sở sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục mở những điểm bán sản phẩm đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trong đó có chăn nuôi để đẩy mạnh khâu tiêu thụ. Mặt khác, hướng dẫn các hộ sản xuất liên kết với DN để đưa sản phẩm chăn nuôi vào kênh phân phối hiện đại

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hợp tác công - tư để thúc đẩy ngành chăn nuôi sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sẽ là giải pháp quan trọng giúp ngành chăn nuôi tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất.

Theo đó, từ nhu cầu phát triển chuỗi, hoạt động xây dựng phát triển chuỗi của DN, HTX cần có những hoạt động cụ thể từ cơ quan chức năng để giúp các chuỗi hoàn thiện, minh bạch sản phẩm chuỗi, kết nối tiêu thụ sản phẩm chuỗi và vai trò cơ quan truyền thông vào cuộc.

Đưa ra giải pháp thúc đẩy hợp tác công - tư trong công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, Sở sẽ tham mưu cho UBND Thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn chất lượng, nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng. Tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa khối công và khối tư trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động theo chuỗi, nhằm thúc đẩy hợp tác, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, tiếp tục thông tin, tuyên truyền quảng bá các chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi an toàn trên toàn Thành phố. Phối hợp với các tỉnh, thành trên cả nước tuyên truyền về công tác phát triển chăn nuôi, xúc tiến thương mại, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn và quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi giữa các tỉnh và Hà Nội.

Tăng cường công tác kiểm dịch động vật liên tỉnh, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ; quản lý vật tư chăn nuôi.

Tiếp tục tập huấn, hỗ trợ, nâng cấp chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi an toàn thành chuỗi giá trị bền vững theo chuẩn mực quốc tế (được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến). Giao các đơn vị thuộc Sở hỗ trợ tư vấn, tổ chức xác nhận, cấp chứng nhận trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm chuỗi, cung ứng sản phẩm chăn nuôi an toàn cho người dân Thủ đô.

Phối hợp Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tổ chức kết nối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên các hệ thống phân phối, sản xuất kinh doanh sản phẩm chăn nuôi của Thành phố.

Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm ngành nghề tiêu biểu trên địa bàn.