Đẩy mạnh triển khai các công trình trọng điểm
Năm 2023, Thành phố Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới, trong đó lĩnh vực giao thông có 96 dự án với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn. Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố vẫn duy trì nhịp độ thi công khẩn trương nhằm sớm hoàn thành các hạng mục, công trình theo kế hoạch đặt ra.
Đầu năm 2023, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai nhiều dự án quan trọng, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đến nay Dự án đang triển khai đúng tiến độ và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của Nhân dân Thủ đô. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích; triển khai các dự án trọng điểm.
Một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố như, Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 (thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy) với tổng diện tích 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng là 10,3 nghìn m2. Thời gian hoàn thành toàn dự án năm 2024.
Dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2: Khởi công tháng 01/2022 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5 km. Đến nay, dự án đã hoàn thành 43% khối lượng công việc, trong đó 90% số cột trụ đã hoàn thành và đường dẫn vượt bãi sông đang dần hoàn thiện.
Một số dự án, công trình giao thông trọng điểm khác: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai có chiều dài 21,7 km, bắt đầu từ nút giao Ba La (quận Hà Đông) đến thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Tuyến đường được nâng cấp, mở rộng lên 50 - 60 mét, tương đương 4 - 6 làn xe; tốc độ thiết kế 80-100 km/h; Xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình với tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng.
Dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 với tổng vốn đầu tư 3.242 tỷ đồng; dự án xây dựng nút giao giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức có tổng mức đầu tư xây dựng công trình hơn 2.384 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022-2026. Đến nay, đã được Thành phố phê duyệt, đấu thầu lựa chọn nhà thầu; công tác giải phóng bằng đang khẩn trương thực hiện, phấn đấu đảm bảo kế hoạch đề ra.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội là một trong những đơn vị thực hiện nhiều dự án, công trình trên địa bàn thành phố như: Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu vượt chữ C (Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch), Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm… ngay từ đầu năm, Ban đã yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nhân lực, phương tiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình quan trọng này.
“Ban đã xây dựng kế hoạch để tập trung triển khai các nội dung theo chỉ đạo của thành phố. Đối với công tác giải ngân chúng tôi yêu cầu các phòng ban chức năng xây dựng kế hoạch chi tiết” - Giám đốc Ban Quản lý dự án Nguyễn Chí Cường cho biết.
Giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với bảo đảm chất lượng
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công Trung ương giao cho thành phố là 46.956 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã phân bổ toàn bộ kế hoạch vốn Trung ương giao.
Theo thông tin từ Sở KH&ĐT, từ đầu năm đến hết tháng 3, toàn thành phố thực hiện giải ngân đầu tư công đạt khoảng 4.300 tỷ đồng. Mặc dù cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số 4.300 tỷ đồng giải ngân đầu tư công của Hà Nội vẫn chưa đạt kế hoạch. Chỉ có 11 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao.
Nguyên nhân chính là do những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm 1/3/2023, Hà Nội có 98 dự án vướng mắc (gồm 75 dự án cấp thành phố và 23 dự án dự án ngân sách cấp thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện). Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân; đề xuất Sở TN&MT, UBND thành phố kịp thời giải quyết những khó khăn.
Thành phố đang phấn đấu đạt kết quả giải ngân đầu tư công đến hết tháng 6 năm nay khoảng 40 - 45%; phấn đấu cả năm 2023 đạt từ 95 - 100% kế hoạch đề ra.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể và chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về kết quả giải ngân của đơn vị mình.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các đơn vị đã được giao nhiệm vụ lưu ý, các đơn vị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc; nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra.
Định kỳ hàng quý sẽ tổ chức giao ban xây dựng cơ bản toàn thành phố; giao ban hàng tháng với từng ngành, lĩnh vực theo chuyên đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Thành phố cũng sẽ kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án chậm thủ tục đầu tư, chậm triển khai giải ngân sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn…
Được biết, ngày 28/3/2023, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 1814/QĐ-UBND về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023. Điều chỉnh giảm 4.240 tỷ đồng nguồn vốn bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (trong đó điều chỉnh giảm nguồn ngân sách trung ương hơn 1.999 tỷ đồng).
Thành phố cũng quyết định điều chỉnh tăng 4.240 tỷ đồng để bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án: Bố trí cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là 3.840 tỷ đồng, gồm: Dự án thành phần 1.1 là 3.290 tỷ đồng (trong đó, nguồn ngân sách trung ương là hơn 1.999 tỷ đồng) và Dự án thành phần 2.1 là 550 tỷ đồng; tăng 100 tỷ đồng thực hiện tạm ứng giải ngân linh hoạt cho công tác chuẩn bị đầu tư; tăng 200 tỷ đồng cho vốn thanh quyết toán dự án hoàn thành thanh toán theo cơ chế linh hoạt; bố trí 100 tỷ đồng thực hiện tạm ứng giải ngân linh hoạt các nhiệm vụ lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán...
Căn cứ quyết định trên, các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện dự án theo đúng tiến độ phê duyệt; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí thực hiện dự án; thực hiện thanh, quyết toán dự án đúng quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Nhà nước và Thành phố.