Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Đề xuất khai quật khẩn cấp khối gạch nghi mộ cổ

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lãnh đạo xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), hơn một tháng sau khi phát hiện khối gạch xây nghi là mộ cổ trên địa bàn, UBND xã vẫn cử người canh gác, bảo vệ hiện trường cả ngày và đêm để bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn.

Phát hiện kiến trúc nghi mộ cổ

Ngày 12/5/2023, trong quá trình thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ đường 20m đến giáp xã Liên Hồng, thuộc địa bàn xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, đơn vị thi công khi bóc lớp đất hữu cơ đã phát hiện một khối hình xếp gạch có 2 bầu cửa trên nền gạch có hoa văn, họa tiết cổ; chiều sâu khoảng 5m nghi là ngôi mộ cổ.

Các hoạ tiết hoa văn trên gạch.
Các hoạ tiết hoa văn trên gạch.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị chiều 19/6, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Phạm Văn Chiến cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo của Nhân dân, UBND xã cử cán bộ, công chức xuống hiện trường kiểm tra sự việc và tổ chức phong tỏa hiện trường. UBND xã Hồng Hà cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện Đan Phượng và Phòng Văn hóa & Thông tin huyện xin ý kiến chỉ đạo.

Ông Phạm Văn Chiến cho biết thêm, tại buổi khảo sát mới đây của Bảo tàng Hà Nội, Viện Khảo cổ học…, căn cứ hiện trạng, di vật, đặc biệt qua loại hình vật liệu xây dựng là gạch hình chữ nhật và gạch múi bưởi, các chuyên gia nhận định sơ bộ đây là mộ gạch có niên đại khoảng thế kỷ I - IV. “Căn cứ vào kiến trúc mộ cũng như kiểu dáng, đặc điểm của gạch, theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, mộ gạch có từ thời Hán. Đây cũng là kiểu kiến trúc mộ táng đã từng được phát hiện tại huyện Hoài Đức và Đông Anh” – ông Phạm Văn Chiến chia sẻ.

Sớm khai quật, đánh giá di tích

Theo lãnh đạo xã Hồng Hà, sau khi phát hiện khối gạch xây nghi là mộ cổ trên địa bàn, khá đông người dân hiếu kỳ đã tập trung tại khu vực phát lộ này. UBND xã đã phong tỏa hiện trường, cử người canh gác, bảo vệ cả ngày và đêm để bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn. Cùng với đó, dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ đường 20m tại xã Hồng Hà cũng đang phải dừng để phục vụ công tác khảo sát, nghiên cứu.

Khối gạch được xếp hình vòm.
Khối gạch được xếp hình vòm.

Được biết, đây là khu vực nằm ngay sườn của dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Do vậy, lãnh đạo xã Hồng Hà mong muốn TP sớm chỉ đạo khai quật kiến trúc kiểu mộ gạch để có hướng triển khai tiếp theo.

Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Đan Phượng Phan Công Tính cho biết, huyện đã báo cáo UBND TP Hà Nội, Sở VH&TT. Ngày 29/5/2023, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà giao Sở VH&TT khẩn trương chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đan Phượng thống nhất khai quật và nguồn kinh phí thực hiện, báo cáo UBND TP.

Hiện nay, Sở VH&TT Hà Nội, UBND huyện Đan Phượng đang khảo sát, đánh giá giá trị và thống nhất phương án khai quật khẩn cấp kiến trúc gạch (kiểu mộ gạch) trên. Tại buổi khảo sát mới đây của Bảo tàng Hà Nội, Viện Khảo cổ học… và các bên liên quan, các chuyên gia thống nhất đề xuất UBND TP sớm ra quyết định cho phép khai quật khảo cổ học khẩn cấp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật.

 

Xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng nằm ở phía Bắc huyện Đan Phượng. Trước đây là một vùng bãi nổi là nơi giao nhau của ba con sông chính là sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy. Từ thời Hậu Lê đến đầu thế kỷ XIX, địa bàn xã Hồng Hà thuộc Tổng Thượng Trì, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Dưới thời Nhà Nguyễn, xã Hồng Hà thuộc Tổng Thượng Trì, huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông.