Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đi đầu cả nước trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô.

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, 30 quận, huyện, thị xã, đại diện các hộ sản xuất, kinh doanh tiêu biểu.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô
Sau 5 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô (2013 - 2017), dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp TP vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 35.133 tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2013. Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2017 tăng bình quân 2,23%/năm. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp theo hướng tích cực giúp giá trị kinh tế trên 1 héc-ta canh tác đạt bình quân 269 triệu đồng. Hạ tầng kinh tế kỹ thuật tiếp tục được quan tâm đầu tư, nông thôn ngày càng đổi mới. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ngày càng tăng (cuối năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn khoảng 2,57%.
Một trong những kết quả nổi bật trong 5 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô là những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, TP đã có 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới”, tăng 3 huyện so với năm 2013. Bên cạnh đó, 294/386 xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 244 xã so với năm 2013. Hà Nội được T.Ư đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, điểm nhấn lớn nhất là thành công của công tác dồn ghép ruộng đất, tạo đòn bẩy cho sự phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục phát huy lợi thế là nơi tập trung nguồn tri thức lớn để phát triển trở thành trọng điểm của cả nước về chuyển giao khoa học kỹ thuật giống cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, Hà Nội cần thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp nhằm gắn kết nông nghiệp vùng ngoại thành với trung tâm. Đồng thời, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, tiến tới xây dựng vành đai xanh cho các nông sản an toàn.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thăm quan gian hàng nông sản trưng bày bên lề hội nghị
Nhấn mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở, ban ngành, các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, thực hiện việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao vai trò trách nhiệm, hiệu quả công việc. Đổi mới, nâng cao năng lực tham mưu, năng lực quản lý nhà nước toàn diện lĩnh vực NN&PTNT. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, phù hợp Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đào tạo nghề để nông dân chủ động tham gia vào cuộc cách mạng khoa học 4.0; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn thực phẩm là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Theo đó, các sở, ban ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa; thúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao vào các lĩnh vực sản xuất. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ mới, thành tựu của cuộc cánh mạng 4.0 vào sản xuất nông nghiệp.
Tại hội nghị, 7 tập thể, cá nhân đã được Bộ NN&PTNT đã trao tặng Bằng khen; 18 tập thể, cá nhân khác cũng được UBND TP Hà Nội trao tặng Bằng khen.