Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội - điểm đến hàng đầu hấp dẫn du khách

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tháng 3 vừa qua, Hà Nội liên tiếp góp mặt trong danh sách 25 điểm đến hàng đầu, được ưa thích nhất châu Á và thế giới năm 2019.

Trước đó, hàng loạt đề cử, bình chọn, giải thưởng du lịch uy tín cũng xướng tên Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam. Đó là những minh chứng khách quan nhất cho thấy điểm đến Hà Nội - “Thành phố vì hòa bình” ngày càng hấp dẫn.
Điểm đến hấp dẫn
Những năm qua, Hà Nội liên tiếp góp mặt trong những cuộc bình chọn về điểm đến được yêu thích nhất trên thế giới. Trong năm 2018, Hà Nội là 1/8 điểm đến cho mọi đối tượng du khách do tạp chí TIME (Mỹ) bình chọn. Còn Mastercard bình chọn Hà Nội là một trong 10 TP Đông Nam Á thu hút khách du lịch nhiều nhất.
Ngoài ra, Hà Nội còn được đề cử là 1/17 TP bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018” của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards; xếp thứ nhất trong 7 điểm đến tốt nhất châu Á dành cho du khách ba lô do tạp chí Hello bình chọn và mới đây, Thủ đô xếp thứ 4/25 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2019 do độc giả bình chọn trên trang TripAdvisor; còn tờ Business Insider xếp Hà Nội thứ 15 trong 25 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2019.
 Du khách quốc tế tham quan Hà Nội bằng xích lô.  Ảnh: Hồ Hạ.
Phải khẳng định, dù thứ bậc, tên gọi, nhà bình chọn có khác biệt, nhưng điểm chung trong các danh hiệu mà Hà Nội đạt được đều nằm gọn trong mấy chữ “điểm đến hấp dẫn”. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân Thủ đô mà còn của cả nước.
Không phải ngẫu nhiên khi Hà Nội được vào danh sách bình chọn của các tổ chức, chuyên trang du lịch hàng đầu thế giới. Đây là thành quả của những nỗ lực quảng bá, xúc tiến, xây dựng các sản phẩm du lịch, quản lý và chung tay của chính quyền, Nhân dân Hà Nội trong nhiều năm qua. Đặc biệt, các hình thức quảng bá mang tính đột phá, trong đó có hợp tác với kênh CNN (Mỹ) bằng một chiến lược rõ ràng từ năm 2017, đã đem lại những hiệu ứng tích cực cho du lịch Thủ đô.
Ngoài ra, Hà Nội cũng tạo được sức hút khi là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện lớn, gần đây nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai và chuẩn bị đăng cai Giải đua xe công thức I vào tháng 4/2020.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú, đầu tư cho hệ thống công nghệ để phục vụ du khách, quản lý nghiêm để tạo môi trường du lịch thân thiện, chuyên nghiệp… cũng là những yếu tố góp phần đáng kể giúp Hà Nội có được thứ hạng tốt trên các bảng xếp hạng điểm đến hàng đầu thế giới, châu Á, khu vực Đông Nam Á thời gian qua.
Tăng trưởng doanh thu gấp 3 tổng lượng khách
Những nỗ lực của toàn TP đã giúp du lịch Hà Nội gặt hái được nhiều thành quả. Quý I/2019, du khách đến Hà Nội đạt 7,5 triệu lượt, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,9 triệu lượt, tăng 15,5%; khách nội địa đạt 5,6 triệu lượt, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 26.954 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2018. Con số tăng trưởng 32% tổng thu từ du khách gấp 3 lần so với mức tăng 10,6% tổng lượng khách đến cũng cho thấy du lịch Thủ đô đang chú trọng đến chất lượng hơn số lượng.
Trở lại Hà Nội lần thứ hai sau 5 năm, ông Haddock Richard chia sẻ: “Hà Nội có nhiều điểm khác so với nửa thập niên trước, khi lần đầu tiên tôi đến đây. Hệ thống giao thông thuận tiện với nhiều lựa chọn, khiến tôi và các bạn của mình dễ dàng di chuyển trong TP cũng như khi đi các tỉnh, TP khác. Chúng tôi đã khám phá các bảo tàng, nhà hát, làng nghề, và ẩm thực theo tour món ăn đường phố. Tất cả đều rất tuyệt vời”.
Mặc dù du lịch Thủ đô đạt nhiều thành công trong thời gian qua, nhưng Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải vẫn thừa nhận, Hà Nội còn thiếu các khu du lịch tổng hợp (vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần) quy mô lớn, đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách.
Sản phẩm du lịch của Hà Nội vẫn dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những thứ đã có sẵn, chưa được đầu tư đúng mức và chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô... Thế nên, người làm du lịch Thủ đô đang mong đợi những dự án vui chơi, giải trí lớn đã được phê duyệt như: Công viên Kim Quy ở huyện Đông Anh, Trường đua ngựa ở huyện Sóc Sơn sớm đi vào hoạt động.
Quảng bá, xây dựng sản phẩm chất lượng cao
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 đón khoảng 32 triệu lượt khách, trong đó có hơn 8 triệu lượt khách quốc tế, gần 24 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ du lịch đạt từ 116.000 tỷ đồng đến 120.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm 2019.
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Hà Nội cần có nhiều điểm đến hấp dẫn hơn ở khu vực ngoại thành, thay vì chỉ khai thác những điểm đến ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm.
Cũng theo ông Phùng Quang Thắng, xu hướng khách du lịch đi lẻ rất nhiều, chiếm khoảng 80% thị trường. Những khách ở xa đến Việt Nam thường đi dài ngày, họ tính toán để đi được nhiều nơi nhất, thậm chí là nối sang các nước lân cận. Nhưng, khách không đi theo tour chỉ định sẵn những điểm chính, nơi nào cảm thấy thích họ sẽ kéo dài thời gian lưu trú. Do đó, chúng ta phải có nhiều sản phẩm hấp dẫn, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện thường xuyên, liên tục, có tính định kỳ để các “thượng đế” cảm thấy cần phải ở lâu hơn để khám phá hoặc thấy tiếc nuối và muốn quay trở lại.
Bên cạnh đó, ông Lương Duy Doanh - Giám đốc FiveStar Travel cho rằng: “Tiềm năng du lịch làng nghề của Hà Nội vẫn còn rất lớn; nếu khai thác tốt, Hà Nội sẽ hấp dẫn du khách quốc tế hơn nữa. Thủ đô cũng cần có thêm những khu ẩm thực quy mô lớn để du khách dễ dàng trải nghiệm”.
Danh hiệu “điểm đến tốt nhất” không phải là bất biến, do đó, trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng thực hiện Chương trình hợp tác giai đoạn 2019 - 2023 giữa TP Hà Nội và kênh CNN quốc tế.
Đồng thời, triển khai các nội dung Du lịch thông minh như: Số hóa cơ sở dữ liệu du lịch; xây dựng bản đồ số du lịch Hà Nội; xây dựng, vận hành, cập nhật, duy trì trang web du lịch Hà Nội. Tiếp tục phát triển các ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch như: Hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, mạng wifi miễn phí, hạ tầng du lịch, thương mại, thông tin hướng dẫn du khách, các cơ sở dịch vụ tại các khu, điểm du lịch.
Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ chủ động làm việc với một số đơn vị, DN về xây dựng sản phẩm tour du lịch mới; phối hợp với các quận, huyện, thị tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho người làm du lịch; tổ chức và phối hợp thực hiện các hoạt động phát triển, giới thiệu sản phẩm du lịch chất lượng cao đến du khách trong nước và quốc tế… Toàn ngành sẽ nỗ lực xây dựng môi trường du lịch, điểm đến Hà Nội an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn; quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội - Thủ đô văn hiến, Thành phố Vì hòa bình.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kêu gọi, mỗi người dân hãy là một sứ giả quảng bá cho hình ảnh Thủ đô thân thiện, mến khách, xứng đáng với danh hiệu Hà Nội - "Thành phố vì hòa bình", để Hà Nội xứng đáng là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách thế giới.


Ông Kenneth Atkinson - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB): Thủ đô Hà Nội cần tập trung vào việc thu hút các gia đình và giới thiệu những điều thú vị của điểm đến cho du khách nhằm có nguồn khách đến và quay lại ổn định.