Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến tiền thuê đất

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi tiếp xúc, đối thoại DN năm 2022 do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 14/12, các DN đã giãi bày nhiều khó khăn, vướng mắc, mong muốn được Chủ tịch UBND TP cùng các sở, ngành sớm tháo gỡ.

Đại diện DN Hà Nội chia sẻ khó khăn tại buổi đối thoại. Ảnh: Phạm Hùng
Đại diện DN Hà Nội chia sẻ khó khăn tại buổi đối thoại. Ảnh: Phạm Hùng

Chia sẻ tại buổi đối thoại, các DN đều cho biết đang rất khó khăn. Trong đó, các nhóm khó khăn chủ yếu là thiếu vốn, lãi suất vay cao, các gói hỗ trợ khó tiếp cận. Bên cạnh đó, còn các khó khăn liên quan tới miễn giảm tiền thuê đất, mặt bằng thuê đất; sử dụng quỹ khoa học công nghệ; quy hoạch phát triển cụm công nghiệp làng nghề; ứng dụng khoa học vào sản xuất; xử lý môi trường làng nghề…

Cụ thể, chia sẻ khó khăn về chính sách thuê đất, Tổng Giám đốc Công ty Hanel Bùi Thị Hải Yến cho hay, Công ty đã hoàn thành cổ phần hóa, ngày 27/6/2017, đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Theo khoản b mục 2 điều 43 của Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về việc “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, doanh nghiệp cổ phần có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật''... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (hơn 5 năm chuyển sang công ty cổ phần) Công ty vẫn chưa được ký lại các hợp đồng thuê đất. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý tài sản đất đai sau cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, từ khi chuyển sang công ty cổ phần đến thời điểm hiện nay, Công ty Hanel đang phải thực hiện nộp tiền thuê đất tại Khu công nghiệp Sài Đồng B với đơn giá mới cho toàn bộ diện tích 24,42ha, trong đó bao gồm hơn 10ha là diện tích giao thông công cộng, vỉa hè, cây xanh phục vụ tiện ích công cộng (đặc biệt trong đó bao gồm một phần diện tích đường Huỳnh Tấn Phát hiện nay là đường giao thông của Thành phố). Về vướng mắc này Công ty Hanel đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường xin hướng dẫn để thực hiện, tuy nhiên, đến nay Công ty Hanel chưa nhận được văn bản hướng dẫn này.

Do chưa được giải quyết, nên đến thời điểm hiện nay Công ty vẫn phải nộp số tiền thuê đất hàng năm cho phần diện tích sử dụng chung trong Khu công nghiệp Sài Đồng B khoảng hơn 6 tỷ đồng. Như vậy, làm tăng chi phí phát sinh, giảm lợi nhuận của Công ty hàng năm khoảng hơn 6 tỷ đồng. Đây là một điều bất cập rõ ràng, vì theo khoản 2 Điều 149 Luật Đất đai, các diện tích đất này được miễn và hơn thế nữa, hiện nay Thành phố đã cắm biển tên phố và yêu cầu Hanel mở rào để dân sinh đi lại nhưng Hanel vẫn phải trả thuế đất cho tất cả các con đường và vỉa hè, khu trồng cây xanh tại Khu công nghiệp.

Việc Khu công nghiệp nhưng lại mở đường cho dân sinh làm ảnh hưởng nhiều đến tình hình an ninh của Khu công nghiệp, điển hình là đường Huỳnh Tấn Phát đang là đường giao thông thành phố.

Đặc biệt ngày 29/11/2022, tại đường đi trong nội Khu công nghiệp do Hanel quản lý có thêm biển đường tên phố Nguyễn Ngọc Châu thực hiện theo Quyết định số 5450/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội mà Hanel không biết do không nhận được thông báo.

Tại Hội nghị, đại diện Công ty Hanel mong muốn nhận được sự quan tâm của các sở/ngành và UBND TP Hà Nội để giải quyết khó khăn, thúc đẩy nhanh việc thoái vốn Nhà nước tại Hanel nhằm thu hút được các nguồn vốn để triển khai một số dự án trọng điểm của TP như: Dự án Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, cũng như giúp phát triển định hướng về khoa học công nghệ của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, khoa học công nghệ như Hanel.

Toàn cảnh Đối thoại
Toàn cảnh Đối thoại

Cũng liên quan tới vấn đề giảm tiền thuê đất, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết, đối với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm, ngày 25/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021. Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng nêu trên. Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

Trong khi đó, một trong những khó khăn chung mà các DN hiện nay phải đối mặt đó là thiếu vốn và lãi suất vay cao. Ông Mạc Quốc Anh thông tin thêm, hiện nay các DN đều đang khát vốn. Trong khi đó, các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DN nhỏ và vừa thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa chưa đạt được như kỳ vọng xuất phát từ quy định hoạt động của các Quỹ. Những vấn đề này cần có những giải pháp đồng bộ từ phía các bộ, ngành chức năng, chính quyền.

Cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội – HAMI Lê Vĩnh Sơn cho biết, việc giải ngân còn chậm, tiếp cận các nguồn vốn rất khó khăn; đặc biệt là từ quý II/2022 trở lại đây rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng…

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Hà Nội Nguyễn Phúc Long, đề nghị Chính phủ và TP xem xét giải pháp cấp bách sớm đưa nguồn vốn nới room vào cho DN, trong đó đặc biệt ưu tiên DN trẻ. Bên cạnh đó, khơi thông dòng vốn bất động sản và hỗ trợ thúc đẩy khó khăn vướng mắc cho các dự án treo. Thực tế, nhiều dự án trên địa bàn đến giai đoạn đầu tư xây dựng dở dang, nhưng nhiều DN mất khả năng thanh khoản. Nếu không hỗ trợ thủ tục pháp lý, thì những dự án dang dở rất khó tiếp cận nguồn vốn.