Trong những năm qua, Hà Nội đã và đang có nhiều hoạt động tích cực hoàn thiện hệ thống các quy định về sở hữu trí tuệ góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng, chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Sở Khoa học và Công nghệ đã không ngừng nâng cao công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khởi nghiệp. Trong ảnh: Vườn ươm doanh nghiệp thực phẩm TP Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên |
Nâng cao chất lượng hàng hóa và uy tín sản phẩm
Tại Việt Nam, Chính phủ coi khởi nghiệp sáng tạo là một trong những mục tiêp cấp quốc gia nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy các ý tưởng phát triển để có thể trở thành những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cá doanh nghiệp hay dự án khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh về quy mô khách hàng, doanh thu, lợi nhuận... dự trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Ông Trần Đăng Nam - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HANOIBA) - Chủ tịch HĐQT Dolphin Sea Air Services Corp nhận định, số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội mấy năm qua tăng nhanh, tuy nhiên các doanh nghiệp có tính đột phá sáng tạo chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 0,1% trên tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp), đa số các startups của Hà Nội là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số, đây là một xu thế khi chúng ta bắt đầu chuyển dịch sang xu thế kinh doanh ngoại tuyến. Loại hình doanh nghiệp này được xem là bước đệm để tiến tới hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Do vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ và vừa cần có sự hỗ trợ cả về kỹ năng quản trị doanh nghiệp và hạ tầng kỹ thuật để họ có điều kiện phát triển nhanh, tăng tỷ lệ thành công và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội. Để phát triển nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhà nước cần có chính sách khuyến khích sáng tạo, đặc biệt là các tài năng trẻ từ các trường đại học, viện nghiên cứu, đồng thời có chính sách đặt biệt để hỗ trợ họ phát triển ý tưởng sáng tạo trở thành sản phẩm thương mại hóa.
"Sở hữu trí tuệ (hay còn gọi tài sản trí tuệ) là vấn đề rất quan trọng cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Khi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, cái được nhất chính là tạo dựng cơ sở pháp lý cho nhãn hiệu, cho doanh nghiệp. Đồng thời tạo niềm tin từ người tiêu dùng. Đây chính là lợi thế cạnh tranh" - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm. Ngoài ra, việc bảo hộ tốt sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao, hạn chế các vi phạm như tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền, hay sản xuất hàng giả, hàng nhái và các vi phạm khác.
Xét về lâu dài, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh sẽ có tác dụng tốt trong việc phát triển công nghệ và kinh doanh lành mạnh, đóng một vai trò tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế. Ông cũng lưu ý, nếu doanh nghiệp không quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, khi có đối thủ cạnh tranh sao chép lại thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, thậm chí sáng chế thì doanh nghiệp đã tự làm mất đi quyền khiếu nại của mình.
"Việc đăng ký này rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay phải hội nhập sâu rộng ra thế giới, đồng thời các doanh nghiệp, các nhãn hiệu nước ngoài tràn vào Việt Nam rất nhiều. Nếu không đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nội có thể tự đánh mất thị phần, do vậy phải hết sức lưu tâm để tự bảo vệ quyền lợi không chỉ cho doanh nghiệp mình, mà còn đảm bảo quyền lợi quốc gia" - ông Trần Đăng Nam nói.
Bệ phóng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Từ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Chính Phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã gửi gắm kỳ vọng trong Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 242/KH-UBND thực hiện "Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020", Quyết định số 4889/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019 - 2025".
Từ những cơ chế, chính sách đã được ban hành, Sở Khoa học và Công nghệ đã không ngừng nâng cao công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này trên tất cả các hoạt động, như: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ; tư vấn, hướng dẫn việc đăng ký xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; công tác thực thi, xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, đổi mới, sáng tạo; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong Thành phố; Phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm thương mại hóa sản phẩm...
Năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận 398 sáng kiến kinh nghiệm và giải pháp kỹ thuật, ra quyết định công nhận cho 225/398 sáng kiến kinh nghiệm, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp công tác, giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đề tài nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới đề nghị danh hiệu thi đua cấp Thành phố và cấp Nhà nước. Số lượng tổ chức, cá nhân có nhu cầu tư vấn xác lập quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp đã tăng đáng kể, một phần là nhờ công tác tuyên truyền nâng cao đổi mới sáng tạo và hoạt động sáng kiến của Thủ đô.
Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, để kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ lan tỏa trong cộng đồng, năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức 20 lớp đào tạo, tập huấn về phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Hà Nội.
Chương trình tập huấn tập trung vào các nội dung như: Vai trò của sở hữu trí tuệ với các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề trong hoạt động, sản xuất và kinh doanh; quy trình xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp, làng nghề; giới thiệu một số hình thức phát triển thương hiệu sau khi sản phẩm đã được bảo hộ. Bên cạnh đó, tiến hành sẽ xem xét, triển khai ít nhất 28 dự án bảo hộ nhãn hiệu tập thể, 3 dự án bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, 4 dự án quản lý và phát triển đối với các sản phẩm mang địa danh đã được bảo hộ, áp dụng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp sáng tạo đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tiếp tục triển khai các lớp tập huấn cho các hộ kinh sản xuất và kinh doanh sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp (là tiền đề cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo)... về sở hữu trí tuệ và vai trò của tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo xây dựng thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ; Hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; Hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; Hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tự tổ chức đo lường; Hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ; thương mại hóa sản phẩm...
Một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh luôn là cái đích cuối cùng trên con đường phát triển kinh tế của một nước và mỗi địa phương. Vì lẽ đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ trong việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp để bảo vệ sức khỏe, tài sản và góp phần lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.