Tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, công tác CCHC của TP năm 2018 và đầu năm 2019 có chuyển biến rõ nét trên cả 6 nội dung, toàn diện ở mọi cấp, ngành, nhằm tạo đột phá về ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong phục vụ Nhân dân. Theo UBND TP, từ thực tiễn triển khai CCHC cho thấy Hà Nội luôn bám sát mục tiêu của T.Ư kịp thời cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch của TP với quan điểm chỉ đạo: Các mục tiêu, chỉ tiêu của TP phải bằng hoặc cao hơn của Chính phủ đề ra; lộ trình xây dựng phải đảm bảo thực hiện được trong từng năm, từng giai đoạn; phấn đấu nhiều chỉ tiêu về đích trước hạn, trong đó đến năm 2020 đạt 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ở mức độ 3, 4. TP cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo CCHC do Chủ tịch UBND TP là Trưởng ban.
Chỉ số CCHC của Hà Nội - một trong hai chỉ số quan trọng nhất đánh giá chất lượng phục vụ của chính quyền đều tăng qua các năm, trong đó chỉ số năm 2018 vẫn thuộc top 5 của cả nước trong điều kiện các tỉnh, TP khác có những giải pháp rất quyết liệt, thực sự là kết quả đáng mừng. Song, trước các chỉ số thành phần còn thấp, cũng như mọi năm sau khi công bố, Sở Nội vụ cùng Sở KH&ĐT, các sở, ngành sẽ báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND TP về nguyên nhân, trách nhiệm từng cơ quan và có kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể để khắc phục.Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng |
Đáng chú ý, công tác chỉ đạo, điều hành của TP bám rất sát thực tiễn theo hướng “5 rõ” và nguyên tắc “một việc - một đầu mối xuyên suốt”; không ngừng đổi mới và gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp với kết quả thực hiện nhiệm vụ, chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả CCHC. Chủ đề công tác năm 2018 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị” cũng thể hiện rất đúng và trúng, với phương châm lấy sự hài lòng của người dân, DN là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động chính quyền từ TP đến cơ sở. Hàng tháng, các cơ quan đều phải báo cáo tập thể UBND TP về tiến độ triển khai cụ thể nội dung được giao theo kế hoạch. Hơn nữa, một kinh nghiệm rút ra là trong mỗi giai đoạn CCHC, TP đều chọn một số nhiệm vụ trọng tâm để có sáng kiến thực hiện, khuyến khích các đơn vị sáng tạo. Cùng với tăng kiểm tra công vụ đột xuất, đánh giá CBCCVC hàng tháng, TP còn chủ động xây dựng những công cụ đánh giá hiệu quả CCHC như: Chỉ số CCHC áp dụng với sở, UBND cấp huyện, xã; Giám đốc sở đánh giá Trưởng phòng cấp huyện thuộc ngành dọc; Chủ tịch cấp huyện đánh giá Trưởng phòng, Chủ tịch xã trực thuộc…
|
Người dân lấy số xếp hàng làm thủ tục hành chính |
Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụCùng với đổi mới căn bản trong chỉ đạo, điều hành, có thể khẳng định kết quả chỉ số CCHC đạt được như vừa qua chính nhờ TP quyết liệt triển khai các giải pháp gỡ khó, tạo điều kiện tối đa về môi trường đầu tư cho DN cũng như ngày càng cải thiện mức độ hài lòng của người dân trong giao dịch hành chính. Cụ thể, Hà Nội là địa phương đầu tiên quy định thống nhất toàn TP áp dụng một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng DVC tại đơn vị sự nghiệp công lập, DN, HTX được giao cung ứng dịch vụ công ích; chú trọng cải cách TTHC các lĩnh vực phục vụ đời sống như y tế, giáo dục, giao thông, cấp GCNQSDĐ… Triển khai “cơ chế liên thông rút ngắn thời gian thực hiện TTHC, nâng cao chất lượng cấp phép xây dựng trên địa bàn TP và thủ tục liên quan” đã giúp giảm thời gian giải quyết từ 30 ngày còn tối đa 20 ngày với thủ tục phòng cháy, chữa cháy cũng như đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp sổ đỏ...
Để tạo tiền đề xây dựng “công dân điện tử”, “thành phố thông minh”, TP đã đẩy mạnh triển khai hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 tại các bộ phận một cửa (BPMC) quận, huyện, xã, phường, tổ dân phố, khu dân cư điện tử; hướng dẫn học sinh THCS nhằm tuyên truyền tới cộng đồng. Đặc biệt, không ít quận, huyện triển khai “chính quyền, công sở thân thiện, trách nhiệm”. Trong đó, công dân rất ấn tượng về những “lá thư” mà UBND quận, phường ở Nam Từ Liêm triển khai gần đây: Gửi “thư xin lỗi” mỗi khi giải quyết công việc chưa đúng hẹn với công dân; “thư chúc mừng” công dân đăng ký khai sinh; “thư chia buồn” khi công dân khai tử cho người nhà... “Những lá thư nhỏ mang ý nghĩa lớn vì là sự quan tâm của chính quyền, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa người thực thi công vụ và người dân”- ông Trần Văn Bình, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm nhận xét.
Ngay cả những địa bàn khá xa trung tâm TP, khó khăn về trang thiết bị hỗ trợ CBCC và người dân giải quyết TTHC như Phú Xuyên gần đây cũng rất nỗ lực đầu tư cho CCHC để phục vụ người dân. Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lê Thanh Hải, năm qua, UBND huyện đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng nâng cấp bộ phận một cửa (BPMC) đạt tiêu chuẩn tương đương BPMC các quận; 5 xã Hồng Thái, Phúc Tiến, Phú Túc, Tri Trung, Quang Lãng cũng được đầu tư gần 5 tỷ đồng cải tạo BPMC. Tại các phòng, xã, thị trấn còn đưa kết quả CCHC là một tiêu chí xét thi đua hàng năm... Từ những giải pháp đó, đến cuối năm qua, toàn huyện đã rút ngắn thời gian giải quyết 70% số TTHC.
Để ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ, nhiều cơ quan chính quyền chủ trương tiếp tục thực hiện nghiêm “Quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ các cơ quan thuộc TP” cũng như văn hóa công sở trong giải quyết công việc cho người dân. Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) Hoàng Thị Tuyết Lan chia sẻ: UBND phường niêm yết quy tắc này trong mọi phòng, nhất là BPMC luôn thực hiện nghiêm khi giao tiếp với công dân. Tới đây, “chúng tôi chú trọng kiểm tra nội vụ cơ quan 1 lần/tháng, đẩy mạnh kiểm tra đột xuất về chấp hành nội quy, giờ làm việc... Cùng với phát phiếu lấy ý kiến công dân đến làm TTHC, phường sẽ tăng tuyên truyền trên loa đến tận địa bàn dân cư về thực hiện văn hóa công sở, duy trì đánh giá thi đua hàng tháng với CBCC toàn phường, giao ban tuần với riêng BPMC về giải quyết hồ sơ. Sau kiểm tra đều họp rút kinh nghiệm, nếu có phàn nàn của người dân sẽ yêu cầu CBCC chấn chỉnh ngay và đánh vào thi đua hàng tháng” - bà Lan khẳng định.