Đẩy nhanh tiến độ
Kế hoạch vốn giao trong năm 2021 của Hà Nội là 51.241 tỷ đồng. Nếu tính cả số vốn năm trước kéo dài sang, tổng số kế hoạch vốn được giao là 54.272 tỷ đồng.
Theo UBND TP Hà Nội, tính đến ngày 10/8, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn TP Hà Nội chỉ đạt 23,5% kế hoạch năm 2021. Trong đó, ngân sách cấp TP đạt 16,9%; ngân sách cấp huyện đạt 29,9%. Đây là mức giải ngân thấp, không đạt yêu cầu của Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND TP.
Nhiều dự án vẫn cố gắng vượt khó, đẩy nhanh tiến độ triển khai. Ảnh minh họa |
Xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giai đoạn cuối năm, đối với nguồn ngân sách cấp TP, UBND TP yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, dự kiến khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2021 của từng dự án trên tinh thần nỗ lực triển khai dự án ở mức cao nhất.
UBND TP Hà Nội sẽ cắt giảm, điều chuyển vốn đối với các dự án để chậm tiến độ, không có khả năng giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021 và tăng vốn với dự án giải ngân tốt. Đối với các dự án có sử dụng vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 cần khẩn trương, tích cực triển khai dự án đúng tiến độ, tránh tình trạng hủy dự toán vốn năm 2020 kéo dài.
TP giao Sở QH&KT, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn TP; ngoài ra, công bố công khai các quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP và các địa phương.
Trước đó, TP đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được chỉ đạo tại 3 văn bản đã ban hành. Đó là, Công văn số 483/UBND-KHĐT ngày 18/2/2021 về khẩn trương thực hiện kế hoạch đầu tư ngay từ đầu năm; Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 19/5/2021 về khắc phục tồn tại, hạn chế và thúc đẩy kế hoạch đầu tư phát triển năm 2021; Công văn số 2302/UBND-KH&ĐT ngày 20/7/2021 về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài.
Gỡ vướng điểm nghẽn cho các dự án đầu tư
Tại Hội nghị trực tuyến với Bộ KH&ĐT hôm 1/9, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư với địa phương, UBND TP Hà Nội đã tổng hợp 25 khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm dự án, gồm dự án đầu tư công; dự án đầu tư kinh doanh; và dự án đối tác công tư (PPP). Trong đó, có 12 vướng mắc liên quan tới dự án đầu tư công, 11 vướng mắc đối với dự án đầu tư kinh doanh và 2 vướng mắc đối với dự án PPP.
Hà Nội đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công |
Cụ thể, đối với dự án vốn đầu tư công, vướng mắc chủ yếu liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án. Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn chia sẻ, theo Luật Đầu tư công 2019, Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư) không được giao lập chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của HĐND TP, mà chỉ giao cho cơ quan chuyên môn, gây khó khăn cho TP trong quá trình triển khai, thực hiện dự án.
Bên cạnh đó là các vướng mắc về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư công; vướng mắc trong công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp; vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án cầu qua sông có đê, trong trường hợp bãi sông rộng… Do đó, Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư là của HĐND TP Hà Nội.
Ngoài ra, Hà Nội đề xuất, cần thiết có quy định để phân cấp ủy quyền trong đầu tư công nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải ngân vốn và thực hiện một số dự án đầu tư công thuộc nhiệm vụ chi của TP đã và đang được thực hiện bằng ngân sách cấp huyện.
Với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư, là vướng mắc lớn nhất trong triển khai dự án đầu tư công. Đại diện Ban Quản lý Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội cho biết, dự án gần như giậm chân tại chỗ, không thể triển khai vì công tác GPMB nhiều lúc “lâm vào bế tắc".
“Tại ga ngầm S9 (Kim Mã, Ba Đình) và S11 (Quốc Tử Giám, Đống Đa) tiến độ GPMB rất chậm, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện chung của dự án” - đại diện Ban Quản lý bày tỏ.
Tại một số dự án (xây dựng đường Vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục; Tuyến đường số 3, số 5 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây; Tuyến đường số 8 Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm), người dân còn có kiến nghị về giá đất, cơ chế đối với đất có nguồn gốc đất nông nghiệp các hộ dân đã sinh hoạt ổn định lâu năm; vấn đề quy hoạch, quỹ nhà tái định cư chưa hoàn thành, không nhận tiền bồi thường, không đồng thuận phương án bồi thường gây ảnh hưởng đến mặt bằng thi công…
Do vậy, Hà Nội đề nghị nghiên cứu, báo cáo đề xuất cho phép tách riêng dự án GPMB để triển khai theo quy hoạch và cho phép áp dụng cơ chế thanh toán qua Quỹ đầu tư phát triển, không theo quy định dự án sử dụng vốn đầu tư công. TP Hà Nội cũng đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét ban hành đồng bộ luật, nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn cùng thời điểm để giảm thời gian khi áp dụng thực tiễn. Đề nghị các bộ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về đất đai để đồng bộ trong việc thực hiện các quy định mới của Luật đầu tư, Luật đấu thầu…
Giải đáp những thắc mắc trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông -Tổ phó Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng cho biết: Bộ KH&ĐT đã có nghiên cứu tách dự án GPMB ra khỏi dự án đầu tư công (với các dự án nhóm A, B, C), nhưng quá trình nghiên cứu thấy có vướng mắc, chưa đồng bộ giữa các quy định pháp luật đầu tư công, xây dựng và đất đai. Bộ KH&ĐT cũng xác định rõ, GPMB chính là nút thắt làm chậm quá trình giải ngân đầu tư công, do đó rất mong nhận được ý kiến đề xuất nên tách phần GPMB ở giai đoạn nào của dự án đầu tư… dựa trên các kinh nghiệm của địa phương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Tổ công tác sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới. Trường hợp những khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi ở cấp luật thì sẽ báo cáo Chính phủ, đề xuất Quốc hội, sau đó giao các bộ ngành tổng hợp, báo cáo đề xuất sửa đổi sau này.