Đồng thời, nâng cao ý thức sử dụng nguồn nước sạch tiết kiệm, hiệu quả của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tạo đà phát triển nguồn cung cấp và mạng lưới cung cấp nước sạch tập trung trên địa bàn TP Hà Nội.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc sử dụng nước sạch đối với sức khỏe Nhân dân và sự phát triển của xã hội; hiệu quả từ các dự án phát triển mạng cấp nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; sự cần thiết điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn TP; lộ trình điều chỉnh giá; sự phù hợp của lộ trình....
Tuyên truyền về hiện trạng hệ thống cấp nước của TP; chất lượng nguồn nước; quy trình sản xuất nước sạch; dịch vụ cấp nước đô thị và nông thôn; cơ cấu cấu thành giá nước; điều chỉnh phương án giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn TP từ đó tạo sự đồng thuận và ủng hộ của Nhân dân đối với lộ trình tăng giá nước sạch của TP Hà Nội; vận động người dân đấu nối, ký hợp đồng sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt, giảm dần các nguồn nước khai thác tại chỗ.
Bên cạnh đó, kế hoạch hướng tới tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước; bảo vệ công trình cấp nước và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về cấp nước.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giá nước sạch được TP áp dụng 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh (theo Quyết định số 38/2013/ QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP), đang là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư "bỏ cuộc", chậm triển khai các dự án cấp nước sạch.... Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.
Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu 100% người dân đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 85% (hơn 4 triệu người với hơn 1 triệu hộ dân).
Năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại huyện: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã). Theo đó, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.