Dạy các môn học theo bài học STEM là hình thức dạy tích hợp nội môn hoặc liên môn. Thời lượng tổ chức thực hiện bài học STEM được xây dựng dựa trên thời lượng các môn học. Hoạt động giáo dục liên quan đến bài học STEM phải đảm bảo tính khoa học, linh hoạt và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Theo Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyên Ba Vì Nguyễn Danh Cường, việc tổ chức ngày hội nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM cấp tiểu học. Đồng thời tăng cường áp dụng giáo dục STEM trong giáo dục cấp tiểu học, góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Tại ngày hội, cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường đã tham quan khu trưng bày các sản phẩm STEM do học sinh của hai trường tiểu học tham gia thí điểm thực hiện. Các đại biểu đều đánh giá, việc thí điểm giáo dục STEM của hai trường từ đầu năm học đến nay đã được thực hiện thành công, tạo chuyển biến tích cực cho học sinh trong việc ứng dụng kiến thức vào thực tế.
Năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm chương trình giáo dục STEM cấp tiểu học tại 7 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Lào Cai, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Cần Thơ và Đồng Tháp.
Trong đó, mỗi tỉnh thực hiện ở 5 quận, huyện và mỗi quận, huyện thí điểm ở 2 trường. Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT đã chọn 10 trường tiểu học ở 5 quận, huyện để triển khai gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Gia Lâm, Mỹ Đức và Ba Vì. Trong đó, huyện Ba Vì đã áp dụng thí điểm giáo dục STEM tại hai trường gồm: Tiểu học Phú Sơn và Tiểu học Tây Đằng B.
Là một trong hai trường được áp dụng thí điểm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Sơn Huỳnh Thị Thanh Bình cho biết, sau khi nhận nhiệm vụ, Ban giám hiệu đã cử giáo viên cốt cán tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, nghiên cứu kỹ các tài liệu hướng dẫn để làm tốt công tác tuyên truyền tới giáo viên, phụ huynh học sinh hiểu được vai trò của giáo dục STEM với cấp tiểu học.
"Giáo dục STEM là phương thức chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh huy động tổng hợp kiến thức để phát triển phẩm chất năng lực. Đồng thời khuyến khích tích hợp thêm yếu tố nghệ thuật nhân văn ở một số môn như Mỹ thuật, Tự nhiên, Xã hội, Toán... nhằm thúc đẩy sáng tạo của học sinh" - cô Huỳnh Thị Thanh Bình nhấn mạnh.
Hoạt động STEM nhằm tạo hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập để học sinh khám phá tiềm năng của bản thân. Các em được khám phá khoa học, công nghệ để phát huy tính sáng tạo, vận dụng vào giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống.
Bên cạnh đó, tiến trình thực hiện bài học STEM sử dụng thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh, các vật liệu dễ tìm, sẵn có. Các thầy cô giáo cũng coi trọng đánh giá thường xuyên, động viên sự tiến bộ của học sinh, tạo sự tự tin và hứng thú học tập.