Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Giáo viên không phải dạy 'chay' dù chưa mua sắm xong thiết bị

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 14/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH với Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội chiều 14/3.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH với Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội chiều 14/3.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH và Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi làm việc.

Dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Ưu tiên mua sắm cơ sở vật chất trang thiết bị cho khối lớp 1

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đã chủ động giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13. Hà Nội đa dạng loại hình trường học (công, tư, quốc tế), nhiều vùng miền nên qua giám sát đã đánh giá sát tình hình thực hiện.

Đoàn giám sát và Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đã trao đổi trên tinh thần làm rõ thêm một số vấn đề qua giám sát như nhận định "chưa có hướng dẫn thống nhất để học sinh chuyển trường, lớp"; điều kiện để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn, vậy Hà Nội có đáp ứng được mục tiêu chương trình hay không?. Việc lựa chọn sách giáo khoa Hà Nội thực hiện công khai, minh bạch, bài bản, quy củ nhưng giá sách giáo khoa không chỉ là câu chuyện về giá mà là tổng tiền bỏ ra mua sách có phù hợp thu nhập của đại đa số người dân Hà Nội hay không?; TP có đánh giá được tính hiệu quả, hợp lý đối với bố trí giáo viên hay không?...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH phát biểu tại buổi làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH phát biểu tại buổi làm việc.

Làm rõ một số nội dung mà Đoàn giám sát nêu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến thông tin: Việc thực hiện chương trình sách giáo khoa theo Thông tư 01 giao cho các nhà trường nên Sở GD&ĐT giao cho các trường lựa chọn sách giáo khoa từng môn học theo tiêu chí của từng trường. Với sách giáo khoa lớp 2,3,6,7,10 thì thực hiện theo Thông tư 25, xây dựng bộ tiêu chí chung, cụ thể đến việc chọn các môn học đảm bảo phù hợp với học sinh và khu vực. Sau khi các nhà trường lựa chọn thì gửi về Sở GD&ĐT để tham mưu UBND TP lựa chọn sách giáo khoa, đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch.

Về cơ sở vật chất trang thiết bị, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các quận huyện ưu tiên tối đã cho khối lớp 1 vì là lớp đầu tiên thực hiện chương trình, tạo điều kiện thành công cho những khối lớp sau. Đồng thời, phân cho quận, huyện thực hiện theo kinh phí của quận, huyện hoặc ngân sách TP cấp cho quận, huyện.

Hiện nay với trang thiết bị phục vụ lớp 3, 7, 10 một số đơn vị tổ chức mua sắm xong nhưng một số đơn vị vẫn tiếp tục làm quy trình mua sắm. Dù một số nơi chưa mua sắm xong nhưng vẫn đáp ứng được đồ dùng dạy học nên không tạo sức nóng, giáo viên không phải dạy "chay"-Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến nêu.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc.

Đề xuất tuyển giáo viên bộ môn Giáo dục nghệ thuật có trình độ cao đẳng

Về giá sách giáo khoa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội Dương Minh Ánh, ĐB Quốc hội-Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội cho biết: Qua giám sát của Đoàn ĐB Quốc hội cho thấy, hầu hết các trường đều trao đổi mức giá sách giáo khoa cũng như tổng mức tiền của bộ sách hiện nay phù hợp với mức thu nhập của người dân Hà Nội, phụ huynh không có ý kiến gì. Tuy nhiên, phụ huynh ý kiến do không chọn cùng một bộ sách giáo khoa nên khó khăn khi mua.

Với việc bố trí giảng viên bộ môn tổ Khoa học tự nhiên và Tổ Lịch sử-địa lý thì tuỳ từng nơi, từng trường có sự đáp ứng ở mức độ khác nhau. Đa phần trường khối quận đáp ứng tốt hơn so với khối huyện. Tuy nhiên có trường chưa đáp ứng tốt do đội ngũ giáo viên lớn tuổi hoặc giáo viên khi đào tạo ở trường chỉ được dạy 1 chuyên ngành, đáp ứng chương trình đổi mới sách giáo khoa của môn đó đã khó nên việc phải tiếp cận thêm 2 môn khác không thuộc chuyên ngành càng khó khăn hơn. Đoàn ĐB Quốc hội băn khoăn về chất lượng đào tạo bộ môn tích hợp, vì vậy đề nghị thời gian tới cần có cách thức đào tạo phù hợp để đảm bảo chất lượng.

Đối với bộ môn Giáo dục nghệ thuật, Hà Nội gặp khó do chưa có đội ngũ giáo viên, vì vậy đề xuất cho phép tuyển đội ngũ giáo viên lĩnh vực nghệ thuật bằng cao đẳng-dù chưa chưa đủ điều kiện nhưng trong lộ trình từ nay đến 2030 vẫn đủ thời gian để hoàn chỉnh đảm bảo chuẩn-ĐB Dương Minh Ánh nêu.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến làm rõ một số nội dung Đoàn giám sát nêu.  
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến làm rõ một số nội dung Đoàn giám sát nêu.  

ĐB chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Tuấn Thịnh nêu vấn đề, Hà Nội đã cố gắng đảm bảo đội ngũ giáo viên nhưng hiện chưa có chuyên ngành đào tạo giáo viên bộ môn tích hợp Khoa học tự nhiên. Vậy chứng chỉ có thay được cho bằng đào tạo giáo viên chuyên ngành hay không?.

Tại Hội nghị, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đã làm rõ thêm một số nội dung mà Đoàn ĐB Quốc hội TP đề xuất như: Đổi mới phương pháp giáo dục; đề xuất bù giá sách giáo khoa; phân cấp lựa chọn sách giáo khoa; độ tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non...

Thừa nhận vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ là có, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP cho biết, Hà Nội đã tuyển giáo viên hợp đồng nhưng phải đạt chuẩn. Đây cũng là sáng tạo của địa phương trong trong bối cảnh giáo viên chưa lấy được chứng chỉ tích hợp.

Với những nội dung khác, Đoàn ĐB Quốc hội sẽ đề nghị UBND TP bổ sung, làm rõ và báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội trong thời gian sắp tới.

 

UBND TP phê duyệt danh mục mua sắm thiết bị với tổng kinh phí 147,612 tỷ đồng

Cụ thể hóa 2 Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, trong thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã có những thay đổi đầu tư phù hợp để triển khai thực hiện 2 Nghị quyết này; đã chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo công khai, minh bạch.

Để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Thành phố dành nguồn vốn cho việc mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu theo qui định. Đồng thời, chỉ đạo Sở GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh chương trình trường chuẩn quốc gia; khảo sát, xây dựng danh mục mua sắm trang thiết bị dạy học cho lớp 3 và lớp 7 năm học 2022-2023; khảo sát, xây dựng danh mục trang thiết bị dạy học, dự kiến việc mua sắm đối với khối các trường trực thuộc, các trường THPT. Hiện nay, UBND TP đã phê duyệt danh mục mua sắm thiết bị của các đơn vị trực thuộc với tổng kinh phí 147,612 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đã được TP tích cực chuẩn bị. Hầu hết UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức thi tuyển giáo viên để bổ sung giáo viên cho năm học mới. Đối với việc chuẩn bị cho khối 10 năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã chủ động trong việc hướng dẫn, định hướng công tác chuẩn bị thông qua các hội thảo, hội nghị.