Hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua VNeID
Theo đó, xét Tờ trình số 126/TTr-UBND ngày 10/5/2024 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn TP Hà Nội; Báo cáo thẩm tra số 20/BC-BPC ngày 13/5/2024 của Ban Pháp chế HĐND TP và Báo cáo số 166/BC-UBND ngày 14/5/2024 của UBND TP về việc giải trình, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của HĐND TP; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của đại biểu HĐND TP tại kỳ họp. HĐND TP Hà Nội đã quyết nghị Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn TP Hà Nội.
Đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn TP Hà Nội có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID, có yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID. Hỗ trợ 100% mức phí phải nộp của các đối tượng quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này mà không thuộc đối tượng được miễn phí theo quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Trường hợp đối tượng quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này có yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 Phiếu Lý lịch tư pháp (từ phiếu thứ 3 trở lên) trong một lần yêu cầu thì được hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/lần/người. (tương đương 10 phiếu Lý lịch tư pháp).
Ngân sách TP Hà Nội bố trí kinh phí giao Sở Tư pháp để thực hiện trích chuyển Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, cơ quan hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát và các cơ quan khác theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính.
Về điều khoản thi hành, giao UBND TP chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết; tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định và công khai, minh bạch. Giao Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Trường hợp sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành quy định mới sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định về phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thì áp dụng theo quy định của văn bản đó.
Nghị quyết này đã được HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 15/5/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Hình thức mới để công dân có thêm sự lựa chọn
Thời gian qua, việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại Hà Nội được triển khai theo hình thức nộp trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp và nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND TP, từ năm 2021 đến 2023, TP Hà Nội đã cấp khoảng 222.500 Phiếu Lý lịch tư pháp và trung bình mỗi ngày, Sở Tư pháp tiếp nhận trên 500 yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp của công dân, tổ chức.
Để tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 5/3/2024 tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2024 của Chính phủ cho phép Hà Nội thực hiện thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trước thời điểm nhân rộng toàn quốc (xác định từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ về định danh, xác thực điện tử).
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 22/4/2024, Hà Nội đã triển khai thí điểm việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Khi đề nghị cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, công dân chỉ cần có Căn cước công dân định danh điện tử mức độ 2, không cần phải đến trụ sở cơ quan của Sở Tư pháp.
Theo Sở Tư pháp Hà Nội, từ ngày 22/4 đến 6/5/2024, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 5.272 hồ sơ; trong đó có 2.097 hồ sơ tiếp nhận qua ứng dụng VNeID, đạt 39,78% tổng số yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp; có 3.175 hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công TP, đạt 60,22%.
Dù đạt kết quả đáng khích lệ bước đầu, nhưng nhìn chung, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID để yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp chưa cao, chưa được nhiều người biết đến. Do đó, TP đã có cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ người dân tham gia sử dụng dịch vụ này, đặc biệt ở giai đoạn đầu thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID là hình thức mới để cho công dân có thêm sự lựa chọn. Đồng thời, Sở Tư pháp đang thực hiện cấp Phiếu Lý lịch tư pháp bằng hình thức trực tiếp tại bộ phận một cửa của Sở, qua dịch vụ bưu chính công ích; cấp Phiếu Lý lịch tư pháp toàn trình qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công TP Hà Nội.
Nếu như trường hợp công dân đề nghị cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công của TP phải khai toàn bộ thành phần hồ sơ trong mẫu đơn tờ khai để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, nay khi công dân đề nghị cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đã có sẵn 17 trường thông tin, chỉ còn từ 4 đến 5 trường thông tin cho công dân kê khai hoặc tích vào đó.
Vì thế, so với phương thức cấp Phiếu Lý lịch tư pháp toàn trình, việc thực hiện yêu cầu qua VNeID sẽ không phải kê khai nhiều, không có sự nhầm lẫn trong kê khai. Khi thực hiện cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID, công dân giảm nhiều chi phí, xem được quá trình cơ quan quản lý Nhà nước xử lý hồ sơ và tải được Phiếu Lý lịch tư pháp bản điện tử về để sử dụng.