Chủ động xây dựng phương án dạy học phù hợp
Theo báo cáo tại hội nghị, hiện quy mô giáo dục tiểu học của Hà Nội có 786 trường với gần 789.000 HS, hơn 29.000 giáo viên. Năm qua, giáo dục tiểu học của TP ghi nhận nhiều dấu ấn đáng khích lệ như tích cực thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp; duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học; đảm bảo hiệu quả kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 cấp tiểu học, đổi mới phương pháp, hình thức đánh giá HS. Bậc tiểu học cũng nâng cao chất lượng dạy Ngoại ngữ, Tin học; xây dựng thư viện trường học đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực HS; đổi mới công tác quản lý và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, khắc phục tác động của dịch bệnh Covid- 19…
Năm học 2021- 2022, một trong những nhiệm vụ của giáo dục tiểu học đó là tiếp tục thực hiện kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên chất lượng dạy và học các môn bắt buộc. Thêm nữa, cần quan tâm rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất đề xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp; chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của các nhà trường; tăng năng lực tự chủ, sáng tạo của các tổ chuyên môn….
Nêu các giải pháp học trực tuyến trong năm học mới, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến gợi mở: “Việc xây dựng phương án dạy học trực tuyến hiệu quả là vấn đề cần quan tâm, nhất là với HS lớp 1. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường. Tinh thần chung là các trường họp thống nhất với phụ huynh HS về khung giờ học, các hình thức trao đổi, hỗ trợ HS; dành từ 7 đến 10 buổi đầu để HS làm quen với hình thức học trực tuyến, tương tác với cô, với bạn... ; sau đó mới triển khai kế hoạch học tập. Trong quá trình triển khai, các trường lưu ý lựa chọn nội dung học tập phù hợp với HS ở địa bàn mình, những nội dung chưa thể triển khai sẽ thực hiện bổ sung khi HS quay trở lại trường học”.
Hỗ trợ để HS có đủ thiết bị học tập
Nhiệm vụ trọng tâm của cấp THCS trong năm học 2021-2022 được xác định là phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trường học và nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS; đồng thời, thực hiện tốt CT GDPT mới với HS lớp 6.
Ngành Giáo dục Hà Nội xác định 5 nhiệm vụ cụ thể đối với cấp THCS; trong đó, việc phát triển mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện CT GDPT mới và các nhiệm vụ năm học, ưu tiên cho các trường học ở các huyện khó khăn gồm: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến: Cần quan tâm đến HS có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo HS đủ thiết bị học tập |
Các trường THCS tập trung thực hiện hiệu quả việc đánh giá, xếp loại HS theo định hướng phát triển năng lực HS; đặc biệt với HS lớp 6 khi năm đầu tiên áp dụng việc đánh giá theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Năm học 2021-2022, toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa chống dịch Covid-19, vừa duy trì việc dạy, học hiệu quả, quyết tâm không để những khó khăn của dịch làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dạy học. Vì vậy, trước mắt, các nhà trường cần tăng cường tuyên truyền để phụ huynh, HS hiểu rõ việc dạy học trực tuyến trong thời điểm này là bắt buộc, vì vậy cần quan tâm mua sắm thiết bị học tập cho con.
“Các nhà trường cần kịp thời rà soát, quan tâm đến HS có hoàn cảnh khó khăn; đội ngũ giáo viên cần thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi nhà giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và nêu cao tấm gương sáng về mọi mặt để học trò noi theo”- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.