Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Họp Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội.

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đại diện các đơn vị cung cấp hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT).
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội. 
Trước đó, ngày 4/2, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 699/QĐ-UBND về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử TP Hà Nội do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý làm Phó ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất UBND TP, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành của TP, UBND các quận, huyện, thị xã về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, cải cách hành chính theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ...
Tại phiên họp Ban chỉ đạo chiều 15/2, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Kỳ báo cáo về tình hình triển khai thuê dịch vụ CNTT đối với hạ tầng CNTT và phần mềm ứng dụng dùng chung của TP giai đoạn 2017-2018 và kế hoạch triển khai năm 2019. Theo đó, Sở TT&TT đã chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở KH&ĐT tổ chức đàm phán giá thuê dịch vụ CNTT từ năm 2017 đến 2018 với các đơn vị cho thuê dịch vụ hạ tầng CNTT dùng chung. Trên cơ sở kết quả đàm phán giá, ngày 24/12/2018, Sở TT&TT đã có Tờ trình số 3297/TTr-STTTT trình UBND TP xem xét, quyết định phê duyệt đơn giá (tạm tính) và giá thuê dịch vụ (tạm tính) giai đoạn 2017-2018.
Ngày 28/12/2018, UBND TP đã ban hành Quyết định số 7072/QĐ-UBND phê duyệt dự toán (tạm tính) thuê dịch vụ hạ tầng CNTT dùng chung của TP (giai đoạn 2017-2018). Sở Tài chính đã có Tờ trình và dự thảo Quyết định trình UBND TP xem xét, phân bổ kinh phí thuộc Chương trình ứng dụng CNTT 2019 với tổng kinh phí hơn 106,8 tỷ đồng để thanh toán cho các đơn vị đã cung cấp hạ tầng CNTT dùng chung của TP giai đoạn 2017-2018. Hiện tại, Thường trực HĐND TP đã có văn bản thống nhất phân bổ kinh phí trên.
 Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Kỳ báo cáo về tình hình triển khai thuê dịch vụ CNTT đối với hạ tầng CNTT và phần mềm ứng dụng dùng chung của TP giai đoạn 2017-2018 và kế hoạch triển khai năm 2019
Dự kiến, trên cơ sở Quyết định phân bổ kinh phí của UBND TP, Sở TT&TT sẽ thực hiện các thủ tục theo đúng chỉ đạo của UBND TP và hướng dẫn của Bộ TT&TT, Sở TT&TT tiếp tục thực hiện ký hợp đồng, thanh toán một phần cho các đơn vị đã cung cấp hạ tầng CNTT dùng chung của TP, hoàn thành trong Quý I/2019.
Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ cho thuê hạ tầng CNTT dùng chung của TP từ năm 2019 do Văn phòng UBND TP thực hiện, Liên Sở TT&TT - Tài chính – KH&ĐT tiếp tục so sánh và xác định đơn giá thấp nhất, báo cáo Tổ công tác thẩm định, đề xuất UBND TP phê duyệt trước khi thanh, quyết toán kinh phí thuê dịch vụ hạ tầng CNTT dùng chung của TP (giai đoạn 2017 - 2018).
Văn phòng UBND TP sẽ tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp các dịch vụ “Cổng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung của thành phố” từ năm 2019...
Về tình hình triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của TP, tính đến hết ngày 28/12/2018, đã hoàn thành chuyển đổi các DVCTT trên hệ thống cũ sang Cổng dịch vụ công của Thành phố tại địa chỉ https://dichvucong.hanoi.gov.vn, kết nối hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP.
 Cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội chiều 15/2
Toàn TP đã có 1055 DVCTT (đạt 55%, trong đó: 916 DVCTT mức 3 và 139 DVCTT mức 4) bao gồm các DVCTT tiếp nhận từ các Bộ, ngành, các DVCTT do đơn vị tự triển khai và TP triển khai trên Cổng Dịch vụ công dùng chung; trong đó, 761 DVCTT đang vận hành chính thức và 294 DVC TT đã xây dựng, đang vận hành thử nghiệm.
Về triển khai hệ thống một cửa điện tử, Sở TT&TT đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức đào tạo tập trung cho 255 công chức đại diện các đơn vị. Các Sở, ban, ngành, 30 UBND quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của Thành phố đã vận hành hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp. Kết quả, có trên 11.000 số lượng tài khoản; số lượng hồ sơ tiếp nhận là hơn 311.000 hồ sơ…

Tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Lê Tự Lực báo cáo kế hoạch CNTT TP Hà Nội năm 2019 cho biết, mục tiêu cụ thể của TP là 100% UBND các xã, phường, thị trấn được triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối với UBND TP ; 80% cuộc họp triển khai nhiệm vụ công tác, sơ kết, tổng kết, tập huấn của TP. Phấn đấu 50% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi của TP được kết nối, chia sẻ dư liệt với các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có theo quy định.

 Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Lê Tự Lực báo cáo kế hoạch CNTT TP Hà Nội năm 2019 

Phấn đấu 80% thủ tục hành chính của các sở, ban ngành, quận huyện, thị xã và xã , phường, thị trấn được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; tập trung đầu tư phát triển từ 1 đến 2 khu CNTT tập trung trọng điểm; từng bước triển khai một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh: Trung tâm điều hành thông minh TP Hà Nội, Giap thông và Du lịch thông minh.

Dịch vụ CNTT đã mang lại lợi ích cho người dân

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Năm 2019, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử. Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP đánh giá cao lãnh đạo các sở ngành quận huyện từ 26/10/2018 đến nay đã tập trung cao độ để thực hiện kiểm tra, sắp xếp lại quy trình các thủ tục hành chính. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp phần mềm để thực hiện đúng lộ trình thực hiện 55% DVCTT đến ngày 31/12/2018. “Đến nay đã có nửa triệu hồ sơ trực tuyến đã được thực hiện, rõ ràng việc lưu trữ quản lý đạt hiệu quả cao và thuận tiện hơn cho người dân” - Chủ tịch UBND TP đánh giá.

Về mục tiêu 80% dịch vụ công sẽ được thực hiện trực tuyến mức độ 3,4 trong năm 2019, Chủ tịch UBND TP yêu cầu con số này phải là 100% (trong đó 35% phải thực hiện cấp độ 4). Cho rằng đây là công việc hoàn toàn có thể đạt được, Chủ tịch UBND TP phân tích vướng mắc nhất vẫn nằm ở khâu thanh toán thuê dịch vụ. “3 năm qua việc thuê dịch vụ CNTT đã mang lại lợi ích cho người dân và thành phố nên cần phải dứt khoát thực hiện. Chúng ta phải minh bạch, sẵn sàng công khai trong công tác thanh toán”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Về vấn đề thanh toán dịch vụ công cấp độ 4, Chủ tịch UBND TP đề nghị các doanh nghiệp viễn thông tính mức giá dịch vụ ở mức 0,5 % chứ không phải 25% như hiện nay vì như vậy, người dân mới tham gia dịch vụ và ở mức giá này vẫn mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo sở TT&TT chủ trì lắp đặt các ki ốt để phục vụ người dân dịch vụ công, tuyên truyền các chính sách công và các tiện ích khác. Trước mắt, trong quý I/2019, triển khai ở các tòa nhà từ 17 tầng trở lên…

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội

Đồng thời, đề nghị Sở TT&TT khẩn trương phê duyệt xong khung kiến trúc điện tử phiên bản 2.0. Sở, ngành và các quận, huyện thành lập Ban chỉ đạo tích hợp CNTT và CCHC; tổ chức đào tạo trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức...

Lãnh đạo sở ngành, các quận huyện chịu trách nhiệm với lãnh đạo TP về việc triển khai số hóa cơ sở dữ liệu. Từ các nơi đã thí điểm thành công, nhân rộng ra với công nghệ đảm bảo thích ứng với phương tiện phù hợp. Năm 2019, phải hoàn thành số hóa xong cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, 100% xã phường thị trấn đến 30/6/2019, phải hoàn thành lắp đặt thiết bị để phục vụ họp trực tuyến; lắp đặt camera ở quận huyện phải đảm bảo công nghệ tiên tiến phục vụ điều hành thông minh; đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu đất đai làm cơ sở để xây dựng dữ liệu lớn (BigData).

Sở Du lịch khẩn trương hoàn thành dự án du lịch thông minh. Sở GD&ĐT chủ trì chương trình đào tạo thực hiện dịch vụ công trực tuyến vào trường học các cấp. Sở TT&TT và Văn phòng UBND TP lựa chọn một số đơn vị đào tạo CNTT có uy tín để kiểm tra trình độ cán bộ, đảm bảo mỗi công chức viên chức phải tự động cập nhật trình độ, lấy đó làm tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa Đức Giang thực hiện số hóa, lưu trữ hình ảnh chẩn đoán trên dữ liệu đám mây để nhân rộng tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng; triển khai y tế thông minh...

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP giao Sở Tài chính tổ chức đấu thầu tập trung các trang thiết bị phục vụ CNTT. Sở TNMT triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.Bộ phận giúp việc BCĐ kêu gọi các đơn vị CNTT đầu tư dịch vụ “Hỏi – Đáp”, an toàn thang máy và PCCC tại các tòa nhà, iparking; quản lý xuất xứ hàng hóa nông lâm sản; các mặt hàng vật liệu xây dựng; mở rộng quản lý các hệ thống chiếu sáng công cộng của TP theo mô hình tại huyện Gia Lâm.