Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Khắc phục việc thiếu trường học trong các khu đô thị

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP về việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch và xây dựng các công trình hạ tầng xã hội (trường học, khu vui chơi, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt công cộng) tại các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng trên địa bàn TP vừa qua cho thấy, thực tiễn chưa đáp ứng theo quy hoạch.

Đặc biệt, trường học công thiếu trầm trọng, đòi hỏi phải có những giải pháp cả trước mắt và lâu dài để khắc phục.
Sức ép quá tải
Hiện tại, trên địa bàn TP có tới 573 dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở. Thực trạng thiếu trường, nhất là trường công lập trong các khu đô thị dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống trường có sẵn trên địa bàn. Các trường này được xây dựng để đáp ứng cho người dân vốn sinh sống trên địa bàn. Khi các khu đô thị, khu nhà ở đưa vào hoạt động, lượng dân cư mới đến ở có thể tương đương với dân số của một phường, khiến tình trạng quá tải ở các trường, lớp công lập. Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HÐND TP Trần Thế Cương nhận định, nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây dựng nhà ở và các công trình hỗn hợp để kinh doanh thu hồi vốn, chứ không quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho các công trình hạ tầng xã hội, nhà trẻ, trường học... Việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng xã hội khi phê duyệt chưa xác định rõ trách nhiệm nguồn đầu tư từ đâu, chưa quy định cụ thể, chi tiết về tiến độ thực hiện dẫn đến chủ đầu tư chậm chạp triển khai, thậm chí bỏ mặc, gây nên tình trạng người dân đã về ở mà các trường học vẫn chưa được xây dựng.
 Trường Tiểu học Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Theo rà soát của Sở Xây dựng, 78 dự án khu đô thị mới có quy hoạch đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học phổ thông, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, cây xanh) thì mới có 36 dự án được đầu tư xây dựng đảm bảo đồng bộ theo quy hoạch; 27 dự án đang thực hiện tiến độ xây công trình hạ tầng xã hội cùng với tiến độ xây dựng nhà ở; 15 dự án đầu tư xây dựng chưa đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở.
Như tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai có 72 tòa nhà cao tầng đang sử dụng. Dự kiến cuối năm 2017, phường sẽ có thêm 10 tòa nữa đưa vào sử dụng, đón cư dân vào sinh sống. Hạ tầng xã hội của phường Hoàng Liệt đang chịu sức ép của khoảng 7 vạn dân (tương đương với dân số của 3 phường), nhưng mỗi cấp học phường chỉ có một trường công lập. Khảo sát tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm cũng cho thấy, 9 tòa nhà của dự án GoldMart City, mỗi tòa cao 40 tầng, quy mô hơn 5.400 căn hộ. Dự kiến tháng 9/2017, các tòa nhà đón cư dân vào ở, nhưng trường liên cấp tiểu học và THCS vẫn chưa hoàn thiện, mới dừng lại ở chân móng công trình, trong khi dự án đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng số căn hộ… 
Kiên quyết thu hồi để xử lý
Qua khảo sát cho thấy, thực trạng trên do rất nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính do quyết định phê duyệt đầu tư chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư. Mặt khác, việc đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội lợi nhuận thấp, các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn chậm, chưa cụ thể, dẫn đến các chủ đầu tư ít đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị mới. Bên cạnh đó, nhiều dự án, tình trạng người mua nhà để đầu tư, đầu cơ, vì vậy khi nhận nhà không đưa vào sử dụng ngay dẫn đến khi xây dựng xong nhà trẻ, trường học không đủ học sinh, các chủ đầu tư xây dựng một cách cầm chừng.
Theo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, thực tiễn, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng còn nhiều bất cập, bố trí quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội ở một số khu đô thị, khu nhà ở cao tầng còn chưa đảm bảo tính khả thi (đất xây dựng trường ở khu vực nghĩa trang, khu vực ao hồ, khu vực dân cư, khu vực đường giao thông, khu vực khó GPMB, nằm trong quy hoạch hành lang xanh…). Đó là những thực trạng rất cần khắc phục.
Để giải quyết hiện trạng trên, lãnh đạo TP cũng khẳng định, thời gian tới, trong công tác quản lý chấp thuận đầu tư dự án mới sẽ quy định cụ thể trách nhiệm, tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, nhà trẻ trong dự án; trên cơ sở đó, sẽ kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện. Đồng thời, đến nay, sau khi rà soát, UBND TP đã chỉ đạo thu hồi một số dự án chậm tiến độ để lấy quỹ đất xây dựng trường học công lập tại các điểm thiếu trường học: Dự án xây dựng trường học tại ô đất TH1, khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy - Thanh Xuân...
Đối với 15 khu đô thị hiện nay còn tình trạng các công trình trường học, hạ tầng xã hội chưa xây dựng, TP sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp, đưa ra chế tài xử lý đối với từng khu đô thị trên cơ sở tham mưu đề xuất xử lý của các sở, ngành, xem xét để áp dụng các biện pháp mạnh. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư đến cuối năm 2017 phải triển khai xây dựng các công trình trường học và các công trình hạ tầng xã hội khác. Nếu vẫn tiếp tục không thực hiện, sẽ thu hồi đất để đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách..