Hà Nội: Khai trương đường dành riêng cho xe đạp

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 1/2, Sở GTVT TP Hà Nội khánh thành thí điểm tuyến đường ưu tiên cho xe đạp “Đường ven sông Tô Lịch”. Đây là tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn Thủ đô.

Sở GTVT TP Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông tuyến đường ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hòa từ đường dành cho người đi bộ thành đường ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ (Đường cho xe đạp và người đi bộ đi chung). Trong đó, đường cho xe đạp tổ chức giao thông hai chiều, chiều rộng 3.0m, bố trí phía sông Tô Lịch; đường đi bộ rộng 1m bố trí phía đường Láng.

Sáng ngày 1/2, Sở GTVT TP Hà Nội khánh thành thí điểm tuyến đường dành riêng cho xe đạp.
Sáng ngày 1/2, Sở GTVT TP Hà Nội khánh thành thí điểm tuyến đường dành riêng cho xe đạp.

Loại hình xe đạp được phép tham gia giao thông trên tuyến đường thí điểm là xe đạp di chuyển hoàn toàn bằng sức người (các loại xe đạp điện không được phép đi vào).

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội và các ban ngành dự lễ khánh thành tuyến đường.
Đại diện lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội và các ban ngành dự lễ khánh thành tuyến đường.

Ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát, xây dựng phương án ưu tiên cho xe đạp, đồng thời, lấy ý kiến cộng đồng dân cư trước khi thí điểm tuyến đường. Tuyến đường có chiều dài 2,3km từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, chạy dọc sông tô lịch, kết nối ga Lê Hồng Phong (đường sắt Cát Linh - Hà Đông) với ga S8 (tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội). Đồng thời, trên tuyến cũng kết nối với 11 tuyến xe buýt”.

Ông Trần Hữu Bảo chia sẻ, đây là tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn Thủ đô nhằm tạo thói quen cho ng dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung cũng như sử dụng xe đạp. Tuyến đường dành riêng cho xe đạp cũng là nền tảng để kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo phát biểu tại buổi lễ.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo phát biểu tại buổi lễ.

“Trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để những tuyến đủ điều kiện sẽ tiếp tục tổ chức làn ưu tiên cho xe đạp. Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, trước mắt chúng tôi ưu tiên các tuyến đường có lưu lượng giao thông không lớn và có làn đường cho xe thô sơ” - ông Trần Hữu Bảo Thông tin thêm.

Ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Công ty Trí Nam, đơn vị triển khai dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn TP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự được phối hợp với Sở GTVT Hà Nội triển khai tuyến đường ưu tiên cho xe đạp. Đơn vị đã bố trí 100 xe trên 6 trạm dọc theo tuyến đường dành riêng cho xe đạp. Như vậy, với cả trạm được bố trí trước đó tại khu vực ga Láng, trên dọc tuyến đường đã có 7 trạm xe đạp.  Những trạm này đều được bố trí ngay điểm dừng xe buýt và ga đường sắt trên cao”.

Nhiều người dân di chuyển bằng xe đạp ngay sau khi tuyến đường được khai trương.
Nhiều người dân di chuyển bằng xe đạp ngay sau khi tuyến đường được khai trương.

Theo ông Đỗ Bá Quân, qua thời gian đơn vị triển khai xe đạp công cộng, nhiều người dân đánh giá rất cao loại hình phương tiện này. Việc triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp sẽ ngày càng thu hút thêm nhiều người dân sử dụng xe đạp công cộng để đi lại. Tuyến đường dành riêng cho xe đạp được đưa vào vận hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân di chuyển và kết nối các phương tiện vận tải khối lớn.

Anh Nguyễn Văn Trường, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Nghe thông tin trên báo đài, tôi rất phấn khởi khi tuyến đường dành riêng cho xe đạp được đưa và hoạt động. Những người thường xuyên sử dụng xe đạp đi làm như chúng tôi sẽ được di chuyển nhanh, an toàn hơn”.

Chị Lê thị Lan, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tuyến đường này trước đây dành cho người đi bộ nhưng không khai thác tối đa công dụng. Việc bổ sung thêm làn đường dành cho xe đạp là hoàn toàn phù hợp, tạo điều kiện kết nối thuận lợi cho người dân thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng để đi lại”.

Nhiều người dân khi được hỏi đều mong muốn, Hà Nội sẽ nghiên cứu và tổ chức thêm nhiều tuyến đường dành riêng cho xe đạp hơn nữa để việc di chuyển của những người đi bộ, đi xe đạp và phương tiện công cộng được an toàn, thuận tiện.