Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội kiểm tra doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa chỉ đạo Cục thuế Hà Nội tiến hành rà soát lại các dự án địa ốc nhằm làm rõ lý do doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất.

Trao đổi với báo giới, ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, hiện nay trên địa bàn Hà Nội các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nợ tiền sử dụng đất rất lớn. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục thuế Hà Nội rà soát lại, lập 3 đoàn kiểm tra các dự án địa ốc nhằm làm rõ lý do doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất.

Theo ông Tuấn, khi tìm hiểu nguyên nhân nợ tiền sử dụng đất, cần xét đến sự tuân thủ luật pháp nhưng cũng cần cần xét đến yếu tố khó khăn của doanh nghiệp. Hiện nay giá giao dịch trên thị trường đã giảm, do đó doanh nghiệp địa ốc khó có khả năng chị trả.

"Chúng tôi đã tổ chức đoàn kiểm tra để nắm bắt tình hình, nếu có khó khăn gì thì sẽ báo cáo lên trên xử lý. Trường hợp doanh nghiệp châu ỳ thì chúng tôi sẽ có giải pháp đôn đốc", ông Tuấn cho hay.

Ông Phạm Đình Thi, Phó vụ trưởng Vụ chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho hay, việc doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất có rất nhiều lý do. Đã có doanh nghiệp than thở việc họ đầu tư 15 năm địa ốc nhưng bị lỗ nặng khi bất động sản giảm giá. "Doanh nghiệp này có 2.000 tỷ vốn tự có, phải vay thêm 2.000 tỷ nữa để đầu tư nhưng hiện nay giá đất giảm xuống 40%. Đơn vị này đã mất 1.600 tỷ đồng, cộng với thuế suất 20% thì doanh nghiệp đã bị lỗ", ông Thi nói.

Trước thắc mắc trong bối cảnh thị trường địa ốc còn khó khăn, ông Thi cho hay, Luật Thuế đất phi nông nghiệp có hiệu lực từ 1/1/2012 sẽ làm thị trường bất động sản lâm trọng bệnh. Nghĩa là, Luật mới sẽ có ảnh hưởng nhưng không tác động nhiều lên thị trường đất đai. Bởi Luật thuế này không vì mục tiêu tăng thu ngân sách mà chỉ để tăng cường kiểm kê, kiểm soát đất đai.

Dự kiến, khi áp dụng luật thuế này cả nước sẽ thu được khoảng 3.000 tỷ và chủ yếu rơi vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. "Hiện các khoản thu về trên toàn quốc khoảng 40.000 tỷ đồng mỗi năm, trong khi thuế đất phi nông nghiệp chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng, con số này chỉ chiếm chưa được 10%", ông Thi nói.