Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội kiên quyết ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật đê điều

Đô Thành
Chia sẻ Zalo

UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 5765/VP-KT yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND TP Hà Nội nhận được văn bản của Tổng cục Thủy lợi về việc vi phạm pháp luật về đê điều. Trong đó nhấn mạnh, hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội đang diễn ra hết sức phức tạp, xảy ra phổ biến trên các tuyến đê, đó là: Xây dựng nhà xưởng, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều; đổ đất, phế thải san lấp mặt bằng xây dựng công trình trái phép lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở thoát lũ; khai thác cát lòng sông, lập bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu ngoài bãi sông; xe quá tải trọng đi trên đê.

Công trình vi phạm của Công ty cổ phần Sinh thái Nắng sông Hồng tại phường Bồ Đề

ĐêTheo báo cáo của cơ quan quản lý về đê điều của TP Hà Nội, tổng số vụ vi phạm trong năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016 là 506 vụ, trong đó, mới chỉ xử lý được 45 vụ, tồn đọng 461 vụ (chưa kể số vụ vi phạm tồn đọng trước năm 2015 nhưng chưa được xử lý). Trong đó, có những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như: Đổ đất, phế thải, xây công trình trái phép tại khu vực bãi đá sông Hồng và cầu Nhật Tân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ; lập bến bãi tập kết vật liệu với quy mô lớn tại khu vực cầu Thăng Long và trên địa bàn phường Giang Biên, quận Long Biên; vi phạm của Công ty cổ phần Sinh thái Nắng sông Hồng tại phường Bồ Đề, quận Long Biên; vi phạm của Công ty TNHH Việt Anh tại xã Dương Hà, huyện Gia Lâm; vi phạm của HTX Sản xuất kinh doanh Nông sản Phượng Cách tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai; xây dựng công trình, đổ đất, phế thải san lấp mặt bằng lấn chiếm lòng sông, bãi sông Đuống khu vực cầu Đông Trù; đổ đất thải phế thải với khối lượng lớn ra khu vực kè Liên Trì; tình trạng xâm hại đê điều để xây dựng công trình trên tuyến đê tả Đáy, huyện Ứng Hòa...

Tình hình vi phạm trên địa bàn thành phố ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm. Tuy nhiên, kết quả xử lý vi phạm còn rất hạn chế, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhất là sự tham gia vào cuộc của lực lượng công an.

Ngày 24/6/2016, Tổng cục Thủy lợi nhận được công văn của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội về tình hình các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động liên quan đến đê điều tại thành phố Hà Nội, cho thấy lực lượng công an thành phố Hà Nội đã rất quan tâm đến tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố. Tổng cục Thủy lợi đề nghị Công an thành phố Hà Nội thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền các quận, huyện của thành phố để kiểm tra, điều tra làm rõ tổ chức, cá nhân vi phạm và kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về việc trên, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo và tham mưu đề xuất biện pháp để UBND thành phố chỉ đạo thực hiện.