Thông tin trên được nêu ra tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở LĐ-TB&XH và LĐLĐ TP giai đoạn 2021-2025 và Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội diễn ra chiều 17/2. Chủ tịch LĐLĐ TP Phạm Quang Thanh và Giám đốc sở LĐ-TB&XH Bạch Liên Hương chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, thực hiện Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025, trong 2 năm qua Sở LĐ-TBXH và LĐLĐ TP đã duy trì phối hợp chặt chẽ trong triển khai, thực hiện đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Tỷ lệ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động được nâng lên; Công tác tuyên truyền giáo dục, vận động công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) với các hình thức, nội dung đã được đổi mới, sáng tạo mang lại hiệu quả cao hơn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về chính trị, ý thức pháp luật, trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CNVCLĐ; xây dựng đội ngũ CB,CC,VC và NLĐ có đủ phẩm chất, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới...
Trong 2 năm qua, hoạt động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật của LĐLĐ TP và Sở LĐ-TB&XH đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Quyền lợi ích, việc làm, thu nhập, đời sống của đại bộ phận người lao động được bảo đảm và được cải thiện hơn trước.
Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã, Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phối hợp với Công đoàn cùng cấp nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, những ý kiến, kiến nghị của CNVCLĐ trong quá trình thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động và các chính sách có liên quan đến người lao động để kiến nghị với UBND TP Hà Nội và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp điều kiện thực tế như: chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; hướng dẫn thực hiện công tác An toàn, vệ sinh lao động và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm; chính sách xây dựng nhà ở cho CNLĐ, nhà trẻ cho con CNLĐ trong các khu Công nghiệp và chế xuất…
Trong công tác quan hệ lao động, LĐLĐ TP đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể. Tính đến nay, đã có 3.602 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở ký kết thoả ước lao động tập thể (đạt 73,45%) với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với các quy định của pháp luật; LĐLĐ TP, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 6 buổi đối thoại trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp về các nội dung của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH để kịp thời giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; tiếp thu những đề xuất hợp lý của người lao động để kịp thời kiến nghị UBND TP và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các bên tiến hành thương lượng, đối thoại trực tiếp để giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công. Từ năm 2021 đến năm 2022, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy 5 vụ tranh chấp lao động tập thể với hàng ngàn CNLĐ trực tiếp tham gia. Nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động vi phạm các quy định của pháp luật về giải quyết thanh toán tiền cho những ngày nghỉ phép năm; tiền lương, phí gửi xe, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên gây bức xúc cho người lao động.
Khi xảy ra tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể, các cấp Công đoàn TP đã phối hợp với cơ quan LĐ-TB&XH, cơ quan Công an chủ động tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại, kịp thời giải quyết vụ việc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Bên cạnh đó, LĐLĐ TP đã phối hợp Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành có liên quan trong việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người lao động về chế độ tiền lương, Bảo hiểm xã hội, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ... của người lao động. Các cấp Công đoàn TP đã phối hợp ngành LĐTBXH và các ban, ngành liên quan giải quyết 244 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người lao động gửi đến các cấp chính quyền và tổ chức Công đoàn đề nghị can thiệp giải quyết quyền lợi lao động; Phối hợp nắm bắt tư tưởng, vận động CNLĐ không nghe theo xúi giục, kích động của các thế lực thù địch, tham gia biểu tình gây rối, làm mất tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.
Ngoài ra, công tác chăm lo cho CNVCLĐ và con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm. Hàng năm, 2 đơn vị đã tham mưu UBND TP hỗ trợ kinh phí, tổ chức thăm hỏi 40 gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tham mưu lãnh đạo TP thăm, động viên, tặng 20.000 suất quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 500.000đ từ nguồn kinh phí 10 tỷ đồng do UBND TP hỗ trợ.
Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đã có nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH, nợ tiền lương của người lao động; Số đơn vị được thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật ATVSLĐ còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP.
Tại Hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh và Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương khẳng định: Thời gian tới 2 đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung trong chương trình phối hợp công tác đã ký kết; tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công nhân lao động; tăng cường sự phối hợp giữa LĐLĐ các quận, huyện, thị xã với Phòng LĐTB&XH ở địa phương… Tất cả vì mục tiêu phát triển lực lượng công nhân lao động của Thủ đô tăng cả về số lượng, chất lượng; nâng cao trình độ, đảm bảo đời sống của công nhân lao động.