Theo đó, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương tổ chức khảo sát và điều tra cơ bản trên toàn địa bàn quản lý. Xác định các điểm có nguy cơ xảy ra ngập úng trong mùa mưa bão năm 2016, có khả năng ảnh hưởng đến trật tự ATGT khi bị sự cố do mưa, bão, lụt.
CSGT phải tích cực phân luồng khi có ngập úng. |
Bên cạnh đó, Phòng CSGT cũng yêu cầu, khi xảy ra mưa lớn, chỉ huy các Đội CSGT phải trực tiếp kiểm tra, quán xuyến toàn địa bàn để bố trí lực lượng làm nhiệm vụ hướng dẫn phân luồng giao thông ở các điểm bị ngập úng đã được xác định; các khu vực xảy ra các sự cố do mưa bão gây ra, đảm bảo hạn chế ùn tắc và tai nạn, đồng thời phối hợp với các lực lượng khác nhanh chóng giải quyết giao thông. Chủ động phân luồng từ xa không để phương tiện dồn nhiều vào khu vực úng ngập. Khi có lũ, lụt bão, úng ngập xảy ra các Đội CSGT phụ trách địa bàn phải chủ động có lực lượng để phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo TKCN TP tổ chức hiệp đồng huy động, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, thực hiện tìm kiếm, cứu nạn, sơ tán Nhân dân từ vùng lũ lụt đến các điểm tập kết an toàn. Trong đó, ưu tiên phân luồng, tạo điều kiện cho các phương tiện cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn hoặc vận chuyển lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu… để sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo đời sống Nhân dân vùng thiên tai, ngập lụt. Duy trì trật tự giao thông trên các tuyến xung quanh khu vực, các điểm sơ tán. Giữ gìn trật tự giao thông các khu vực hàn khẩu, khu vực trạm bơm, các đoạn đê xung yếu, các khu vực sụt lở đường, sập cầu... Tổ chức phân luồng không cho xe ôtô (không có nhiệm vụ) vào các khu vực đê xung yếu, tuyến đường đang bị ngập, úng. Ngoài ra, tại các điểm, nút giao thông ngập sâu: Các đơn vị bố trí xe tải hoặc xe cẩu thường trực để cẩu, kéo ôtô bị sự cố chết máy ra khỏi nơi ngập úng, không để ùn tắc, tai nạn giao thông xảy ra. Đặt các biển báo “điểm ngập sâu” ở phía trước nơi có điểm ngập sâu; cảnh báo cho các phương tiện không lưu thông vào khu vực. Khi có lụt bão, thiên tai xảy ra phải khẩn trương tổ chức lực lượng, nắm chắc tình hình địa bàn phụ trách trước trong và sau khi có bão lũ xảy ra, kịp thời báo cáo về trực ban Phòng các tình hình: Cây xanh, cột điện, dây điện, thông tin có nguy cơ bị đổ hoặc đã đổ, đứt, gãy gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Các đoạn đường bị hư hỏng, ngập úng, các đoạn đê xung yếu, các cây cầu yếu, có nguy cơ sập gẫy. Đặc biệt các tuyến đường bị ngập sâu, kéo dài gây ùn tắc giao thông, các khu vực cần sơ tán để có phương án phân luồng giao thông hợp lý. Thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan mức bão, mức nước sông, các kho xăng dầu, hóa chất, tài sản cơ quan. Cùng với đó, Phòng CSGT yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác TTKS đảm bảo trật tự, ATGT, xử lý nghiêm các vi phạm theo từng chuyên đề. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi phá hoại, gây cháy nổ, vi phạm pháp luật về quản lý đê điều. Phối hợp các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành, đặc biệt là Phòng PC68, Thanh tra GTVT tiến hành xử lý, tháo gỡ các công trình lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ đê điều, công trình giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô chở quá trọng tải lưu hành trên các tuyến đê, kè, cống trong mùa mưa bão. Phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền về phòng chống bão lụt, thiên tai. Khi xảy ra bão lụt, thiên tai phải cập nhật, đưa thông tin nhanh, chính xác hướng dẫn, giúp đỡ Nhân dân trong việc di chuyển, khắc phục thiên tai. Thông qua việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cơ bản của lực lượng CSGT như: Tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đăng ký xe, điều tra giải quyết tai nạn... kết hợp sử dụng cơ sở bí mật để phối hợp với lực lượng liên đấu tranh có hiệu quả với bọn tội phạm lợi dụng tình hình thiên tai, lụt, bão để hoạt động phạm pháp; các phần tử khủng bố, cơ hội chính trị lợi dụng thiên tai, lụt, bão để hoạt động khủng bố, phá hoại, rải truyền đơn, tờ rơi có nội dung xấu… Góp phần bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của Nhà nước và Nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô. Cùng với đó, yêu cầu các đơn vị tổ chức tốt việc phòng, chống lụt, bão ở trụ sở đơn vị. Đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản, các trang thiết bị, phương tiện; điểm tạm giữ phương tiện vi phạm; hồ sơ, sổ sách. Chuẩn bị đủ xăng dầu, đèn chiếu sáng, dây buộc, lương thực thực phẩm... và thông báo đến từng cán bộ chiến sỹ để chủ động trong công tác, trong sinh hoạt. Đảm bảo quân số ứng trực tối đa phục vụ huy động phối hợp cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khi có lệnh.