Liên quan đến việc nhanh chóng hoàn tất quá trình cổ phần hóa HACINO theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và người lao động tại Công văn số 1445/VPCP-ĐMDN ngày 20/2/2017 của Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội kiến nghị, Sở Tài chính trả lời: Quá trình cổ phần hóa được thực hiện từ năm 2005, tuy nhiên đến nay đã kéo dài 12 năm chưa được giải quyết dứt điểm do một số nhà đầu tư không đồng thuận với phương án chuyển Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội thành công ty cổ phần theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Hiện nay, UBND TP tiếp tục giao Sở Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo về quá trình cổ phần hóa, tiếp tục triển khai bước theo quy trình để chuyển Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội thành công ty cổ phần; chuẩn bị toàn bộ tài liệu liên quan đến quá trình cổ phần hóa của công ty để phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Văn bản trả lời của Sở Tài chính số 2700/STC-TCDN ngày 6/5/2017).
Tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cùng đại diện các sở, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô lắng nghe trực tuyến diễn biến tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Ảnh: Khắc Kiên |
Về kiến nghị xây dựng các cụm công nghiệp quy mô nhỏ tại các khu vực địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN lập nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh ngay tại địa phương, tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời mặt bằng sản xuất cho các nhà đầu tư. Sở Công Thương cho biết, các kiến nghị của doanh nghiệp được UBND TP giao cho Sở Công Thương nghiên cứu trả lời chi tiết tại Văn bản số 2133/SCT-QLCN ngày 6/5/2017.
Cụ thể, sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP giao cho Sở Công Thương chủ trì lập quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020 có xét đến năm 2025. Sở Công Thương đã hoàn thiện hồ sơ và tổ chức họp Hội đồng thẩm định cấp TP. Đến năm 2025, TP sẽ có 136 cụm công nghiệp, tổng diện tích khoảng 2.533,919 ha, trong đó: Hoàn thiện, củng cố, chuẩn hóa 66 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.635,379 ha; Tiếp tục cho tồn tại nhưng hạn chế phát triển lâu dài thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt 18 cụm công nghiệp đang tồn tại trong khu vực vành đai xanh với tổng diện tích 324,3 ha; Xây dựng mới 52 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 515,41 ha; Mở rộng 2 cụm công nghiệp đã được quy hoạch ở giai đoạn 2017-2020 với tổng diện tích là 58,83 ha; Loại bỏ 24 cụm công nghiệp không phù hợp với quy hoạch hoặc đã chuyển đổi chức năng. Trong thời gian tới, UBND TP tiếp tục giao Sở Công Thương phối hợp với các sở ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác quy hoạch, thành lập mở rộng các cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời mặt bằng sản xuất cho các nhà đầu tư.
Liên quan đến đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT đầu tư nâng cấp một số tuyến đường giao thông kết nối giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa để tạo tính đồng bộ về tải trọng cầu đường nhằm phục vụ phát triển vận tải đường sắt, đường thủy nội địa… Sở GTVT, Sở KH&ĐT đã trả lời: Về định hướng phát triển cơ cấu hạ tầng GTVT trong thời gian tới (giai đoạn 2017 - 2020) gồm giao thông đường bộ, giao thông tĩnh và đường sắt đô thị. Triển khai thực hiện theo đồ án quy hoạch của Sở GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng CP phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016. Hiện nay, TP đang khẩn trương chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai cụ thế hoá nội dung quy hoạch GTVT được phê duyệt bằng các dự án, chương trình cụ thể và đi liền với cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, cơ chế chính sách thủ tục hành chính,.. tạo mọi điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực đưa các dự án cụ thể vào thực hiện hóa kế hoạch. Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã luôn quan tâm đến ủng hộ TP thực hiện quy hoạch, tạo cơ chế đặc thù trên cơ sở đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, pháp luật để hỗ trợ TP một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất
Tuy nhiên, hiện tại, theo tính toán nguồn lực của TP có thể cân đối được để đầu tư cho phát triển cơ cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, còn lại khoảng 80% huy động nguồn lực xã hội hóa. Theo đó, TP Hà Nội luôn kêu gọi sự hỗ trợ chung tay của các DN trong phát triển của Thủ đô. Trong thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách cụ thể nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư, DN, các thành phần kinh tế có điều kiện đầu tư đối với những dự án cụ thể của Thủ đô.
Về đề nghị lãnh đạo các địa phương cần coi trọng và tạo điều kiện hơn nữa về mọi mặt cho các Hiệp hội DN được tham gia phản biện chính sách mới sẽ ban hành ở địa phương có liên quan đến DN và giám sát đôn đốc các ngành chức năng thực hiện các đề xuất kiến nghị. Sở KH&ĐT cho rằng, các Hiệp hội DN là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của các DN thuộc các thành phần kinh tế - xã hội. Mục đích tập hợp, liên kết hỗ trợ giúp đỡ nhau trong công viêc phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ nguồn quyền lợi hợp pháp của hội viên, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội TP và của đất nước. Hiệp hội cũng là cầu nối giữa DN với các cơ quan chức năng trong bộ máy quản lý Nhà nước.
Do đó, TP Hà Nội luôn luôn coi trọng khuyến khích và tạo điều kiện cho các Hiệp hội DN hoạt động phát triển và tham gia đóng góp phản biện cơ chế, chính sách của TP có liên quan đến DN. Tất cả các cuộc họp về đề xuất và ban hành chính sách mới, chính quyền TP đều mời các hiệp hội tham gia. Đồng thời, TP chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội, lắng nghe tiếp thu ý kiến tham gia góp ý xây dựng và phản biện, hòa thiện cơ chế chính sách của Hà Nội để chính sách của TP ban hành thực sự hiệu quả, sát với yêu cầu thực tế của DN, đặc biệt các Hiệp hội lớn như: Hiệp hội DN Hà Nội, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, Hiệp hội DN trẻ Hà Nội, Hiệp hội nữ DN Hà Nội,…