Hà Nội mở cửa nền kinh tế: Sớm tạo động lực để phục hồi tăng trưởng

Trâm Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Hà Nội lên kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế song song với chống dịch, TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với PV báo Kinh tế & Đô thị rằng đây là hướng đi đúng và cần nhanh chóng thực hiện và có cách làm đột phá để lấy lại động lực tăng trưởng.

Hà Nội đã thành công chống dịch

Tại Hội nghị trực tuyến với Bộ KH&ĐT về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 cho khu vực trung du, miền núi Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng. Hà Nội dự kiến năm 2021 chỉ tăng trưởng khoảng 4,54%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra (trong khoảng 7,5 - 8,0%). Ông nhận xét gì về những bước đi thận trọng này của TP?

- Thay đổi dự báo tăng trưởng cũng là điều dễ hiểu nhất là khi làn sóng dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng tới sức khỏe của Nhân dân và giáng những đòn nặng nề lên nền kinh tế, sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ… Tôi cho rằng, mức tăng trưởng trên cũng là rất đáng khích lệ khi Hà Nội là một trong các địa phương bị ảnh hưởng nặng do tác động của dịch bệnh. Trong điều kiện Hà Nội có nhiều ổ dịch phức tạp, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, tình hình lao động, việc làm. Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp chế xuất, các ngành dịch vụ lớn… bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Cũng như các địa phương khác, Hà Nội đã lên kế hoạch mở cửa nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về các biện pháp chống dịch và lên phương án phân vùng sản xuất kinh doanh hiện nay của Hà Nội?

- Cái được của Hà Nội trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này là TP đã đưa ra kế hoạch phục hồi kinh tế phù hợp với tiến độ tiêm chủng, “phủ sóng vaccine”. Tức nếu 100% những người từ 18 - 65 tuổi là lực lượng lao động chính được tiêm mũi 1 thì mở như thế nào, 50% được tiêm mũi 2 mở như thế nào. Như vậy là Hà Nội đang đi đúng hướng mục tiêu là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Trong chống dịch, ngoài việc Hà Nội cách ly, giãn cách xã hội để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và quây lại được F0 và không để hệ thống y tế Hà Nội bị quá tải như vậy thành công của Hà Nội là nhìn thấy. Nhờ đó tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh của Hà Nội là rất thấp. Đến thời điểm này, có thể nói Hà Nội thành công trong chống dịch nhất là với tình hình trên địa bàn rất phức tạp với điều kiện tự nhiên, dân số trong nội thành rất lớn, mật độ tập trung dân đông, không gian chật hẹp…
  TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Cái được lớn nhất trong thời gian vừa qua, TP đã khống chế cơ bản được dịch bệnh. Số ca mắc trên địa bàn TP đang có chiều hướng giảm dần, số ca mắc trong cộng đồng cũng giảm dần. Đây là tín hiệu, kết quả rất cần đánh giá trên cơ sở kết quả phòng, chống dịch nói chung. Tuy vậy, còn những hạn chế là chưa đánh giá tác động về mặt xã hội, tâm sinh lý người dân… do chính sách tác động đến người dân Thủ đô như thế nào thì chưa làm được. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng ở cấp dưới làm không đúng hẳn tinh thần của TP. Cái này là hơi đáng tiếc. Nếu Hà Nội đi đầu được trong việc này đánh giá nghiêm túc việc học của học sinh trực tuyến… và kiến nghị với Hà Nội phải đi đầu trong bảo vệ toàn diện người dân Thủ đô. Hà Nội cũng đã phân vùng 1 (đỏ, cam), vùng 2 (vàng), vùng 3 (xanh).
Ngoại trừ vùng 1 tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thì vùng 2 và vùng 3 đã nới lỏng, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như nhiều hoạt động xã hội khác. Thực tế mỗi một địa phương có phương án khác nhau dựa trên tình hình của địa phương đó. Tuy nhiên, việc đưa ra 3 vùng đó, thì vùng đỏ tới 10 quận và TP vẫn là lớn quá. Nếu co nhỏ lại được để áp dụng Chỉ thị 15 sớm hơn thì hậu quả về kinh tế đỡ hơn.

Với bối cảnh hiện nay như Hà Nội đã đạt được và đang thực hiện thì theo ông những hoạt động kinh tế nào có thể mở cửa trước được?

- Tôi cho rằng đến 22/9 mở cửa đã là hơi muộn. Nếu mở được sớm mở ngay những hoạt động liên quan đến sản xuất. Sau đó mới đến các hoạt động dịch vụ mở sau. Dịch vụ thì trước mắt mở những dịch vụ bán cho mang về. Còn dịch vụ quán bar, karaoke… mở sau cũng được. Các dịch vụ như shiper chẳng hạn nên mở ngay. Hoặc như Đông Anh, Bắc Thăng Long – Nội Bài, Thường Tín… đã tiêm rồi phải mở hết để họ còn đi lại sản xuất nếu không sẽ rất khó khăn.

Vậy “mở cửa” kinh tế, làm thế nào để giữ được thành quả và an toàn? Trước kia là 3 tại chỗ, bây giờ thì thế nào, DN phải chú ý những gì?

- Chỉ cần yêu cầu thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về phòng dịch 5K+ vaccine. Vaccine TP lo rồi, còn 5K DN phải thực hiện, chịu trách nhiệm. DN bị 2 - 3 ca… rồi tăng lên thành 1 ổ phải đóng cửa DN lại. TP là lo cái lớn, vận động người dân ý thức tự giác, ý thức chấp hành pháp luật. TP là vaccine, và đã làm đủ rồi. TP lo cơ sở y tế chữa, lo vệ sinh phòng dịch… Còn tự DN muốn tồn tại phải tự nghĩ ra các biện pháp. Nếu DN vi phạm thì DN phải chịu, nếu ổ dịch đó phát sinh từ DN thì DN phải chịu, tự họ bị thiệt hại về kinh tế họ sẽ ý thức được.

Động lực để tăng trưởng

Theo ông từ nay đến cuối năm tăng trưởng của Hà Nội dựa vào động lực nào?

- Dựa vào sản xuất thôi, bao gồm cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vào vốn đầu tư công, vốn FDI. Nếu không có sản xuất thì rất khó khăn. Do đó, từ nay đến cuối năm Hà Nội phải mở cửa rất nhanh, động viên rất lớn để DN lao ra sản xuất. Hà Nội phải nhớ rằng thành lập DN mới số lượng không quan trọng. Quan trọng là nuôi DN đang có và đẩy mạnh phát triển thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng hơn là thành lập DN mới.
Vấn đề bây giờ Hà Nội phải nghiên cứu một gói hỗ trợ DN đóng trên địa bàn Hà Nội và dùng ngân sách của TP, không dùng ngân sách Trung ương. Luật Thủ đô đã có rồi, trong phạm vi của Luật Thủ đô, chúng ta có thể xem vốn năm ngoái đầu tư công còn bao nhiêu tiền chưa tiêu được mà phải chuyển nguồn sang năm 2021 này, bây giờ dự báo 2021 này bao nhiêu tiền trong đầu tư công không tiêu được (vì giãn cách dịch bệnh không thực hiện được).
Vì thế, phải có một phương án sử dụng nguồn vốn đầu tư công chưa dùng đó bàn với các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội để hỗ trợ cho các DN đóng trên địa bàn Hà Nội vay với lãi suất ưu đãi để đảm bảo dòng tiền trong vòng 2 năm. Như thế vừa tiêu được tiền đầu tư công của năm nay mà chúng ta lại vừa hỗ trợ được trực tiếp cho DN. Sau đó hết năm 2023 phục hồi sản xuất kinh doanh xong, ổn định rồi người ta lại trả tiền đó cho Hà Nội và Hà Nội lại tiếp tục đầu tư (vì tổng mức đầu tư công trong cả kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm mà Quốc hội và HĐND TP duyệt, theo Luật Đầu tư công là Hà Nội không bị vi phạm).
Hà Nội không gây áp lực chính sách tiền tệ là bơm tiền cho một khu vực của Hà Nội vì tổng vốn đầu tư công đã được phân bổ cho Hà Nội rồi. Phải có phương án quyết liệt như vậy thì mới bứt lên không thể bình bình đi lên. Hà Nội phải linh hoạt sáng tạo như một bà đỡ vậy trong thời buổi dịch dã như hiện nay.

Ngoài các biện pháp hỗ trợ của cơ quan chức năng, DN cần chú ý những gì trong bối cảnh mới?

- Cái này tự DN họ sẽ tự quyết định tìm ra làm như thế nào (thay đổi quản trị, phương án kinh doanh, thay đổi nhân sự hay CNTT, chuyển đổi…) để hiệu quả, đón bắt cơ hội của thị trường thu được lợi nhuận. Còn trách nhiệm của TP là làm hạ tầng cơ sở vật chất, hạ tầng số, cải cách hành chính thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cắt giảm chi phí hành chính, kinh doanh, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Khi DN vướng gì, kiến nghị những cái mà cơ quan quản lý chưa làm được thì khắc phục.

Xin cảm ơn ông!

"Từ nay đến cuối năm Hà Nội phải mở cửa rất nhanh, động viên rất lớn để DN lao ra sản xuất. Hà Nội phải nhớ rằng thành lập DN mới số lượng không quan trọng. Quan trọng là nuôi DN đang có và đẩy mạnh phát triển thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng hơn là thành lập DN mới." - TS Nguyễn Đức Kiên