Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ nét đẹp văn hóa du Xuân

Bài cuối: Gạn đục, khơi trong

Hồng Giang - Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedoyhi - Để gìn giữ nét đẹp văn hóa du Xuân đã được trao truyền qua nhiều thế hệ, theo các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân có vai trò đặc biệt quan trọng.

Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục

Du Xuân đầu năm là phong tục truyền thống của người Việt, một hoạt động không thể thiếu dịp đầu năm mới. Cũng bởi vậy mà, mỗi khi Tết đến Xuân về, tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tín ngưỡng, tâm linh, khu thắng cảnh trên khắp mọi miền cả nước lại đông nghịt người dân đến tham quan, chiêm bái. Với lượng khách đổ về quá lớn, để góp phần tạo dựng sự văn minh, trật tự, an toàn tại các địa điểm này, ý thức của mỗi người dân, du khách cũng như tiểu thương, đội ngũ làm công tác phục vụ cần phải được nâng cao.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng nhận định, để xây dựng văn hóa văn minh, an toàn, tiết kiệm tại các lễ hội và hoạt động du Xuân đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, không thể làm đơn lẻ. Trong đó công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân có vai trò đặc biệt quan trọng.

Ông Lương Đức Thắng nêu ví dụ, thời gian qua, cùng với sự chia sẻ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như cơ quan chức năng, nhận thức của người dân về đốt vàng mã đã có tiến bộ rõ rệt. Theo đó, tại các cơ sở thờ tự, tình trạng đốt hương, vàng mã tràn lan đã giảm.

“Qua kiểm tra thực tế tại địa phương, hầu như các di tích đều có hướng dẫn cụ thể về đốt vàng mã và thực hành lễ như thế nào cho đúng bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, qua vận động, tuyên truyền cũng như siết chặt quản lý, việc khấn thuê, tục rút thẻ, đổi tiền lẻ không đúng quy định của pháp luật đã giảm, người dân có nhiều thay đổi trong cách hành lễ, đi lễ theo hướng văn minh, tiết kiệm hơn” - ông Lương Đức Thắng nhìn nhận.

Du khách tham quan, trẩy hội chùa Hương. Ảnh: Phạm Hùng
Du khách tham quan, trẩy hội chùa Hương. Ảnh: Phạm Hùng

Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, cần tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là với thế hệ trẻ để họ hiểu rõ nguồn gốc, bản chất của nhân vật thờ tự, ý nghĩa của các lễ hội, từ đó mỗi người biết cần làm gì để xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, văn minh.

Đồng quan điểm trên, GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định, thời gian qua, một số hiện tượng phản cảm trong các lễ hội như tập tục chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh) hay đâm trâu ở Tây Nguyên… đã được chấn chỉnh kịp thời. Về căn nguyên sâu sa từ góc độ nghiên cứu văn hóa, những tập tục này xuất phát từ tục hiến sinh, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hy Lạp…

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải thay đổi cho phù hợp với lối sống, quan điểm nhân văn, văn minh. Ngoài ra, vấn nạn chen lấn, cướp giò hoa tre ở Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), cướp phết ở Lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), cướp ấn đền Trần (Nam Định), cướp chiếu ở Lễ hội Gióng đền Phù Đồng (Gia Lâm)… cũng đã được chấn chỉnh hiệu quả.

Theo GS.TS Từ Thị Loan, để khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong lễ hội hiện nay, trước hết cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân. Bởi khi mỗi người nhận thức rõ được bản chất, trách nhiệm thì mới nâng cao được hành vi, ứng xử.

“Chúng ta cần coi trọng giáo dục trong nhà trường là căn cốt. Hiện nay, Bộ VHTT&DL và Bộ GD&ĐT đã có chương trình phối hợp giáo dục di sản. Chúng ta hoàn toàn có thể đưa vào chương trình này các bài học giáo dục lịch sử, địa phương để thay đổi nhận thức, tư duy, trách nhiệm của thế hệ trẻ” - GS.TS Từ Thị Loan nói.

 

Để tạo dựng một môi trường văn hóa trong lễ hội, cần có phương thức tuyên truyền, giáo dục hiệu quả, giúp người dân hiểu rõ và tôn trọng những giá trị văn hóa, quy tắc ứng xử cần thiết. Ban Tổ chức các lễ hội cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để đảm bảo lễ hội được diễn ra trong không gian trang trọng. Đồng thời ứng dụng công nghệ vào việc tổ chức và quản lý lễ hội.
PGS.TS Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội

Còn theo thạc sĩ Lịch sử Trần Trung Hiếu, du Xuân cũng cần có văn hóa. Để có văn hóa, người dân cần hiểu biết, phân biệt sự khác nhau giữa tín ngưỡng và cuồng tín, giữa tín ngưỡng và tôn giáo. Rất nhiều hành động không đẹp chốn đền, chùa đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của du khách. “Người dân đi lễ chùa không nên vứt tiền lẻ vung vãi ở các “suối giải oan”, “giải hạn”, hay nhét tiền vào tượng Phật. Cơ sở thờ tự là chốn linh thiêng, cần sự yên tĩnh, trang nghiêm nên du khách không nên xô đẩy, tranh cướp lộc hay ăn mặc không phù hợp gây hình ảnh phản cảm” - thạc sĩ Trần Trung Hiếu chia sẻ.

Siết chặt kiểm tra, đổi mới công tác quản lý

Những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực, giúp người dân được tham gia trải nghiệm du Xuân an toàn, văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều lễ hội trên địa bàn TP Hà Nội đã có những điểm mới trong công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát, góp phần tôn vinh di tích, lễ hội, phát huy những giá trị văn hóa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân.
Đơn cử, để Lễ hội chùa Hương năm 2025 diễn ra an toàn, văn minh, UBND huyện Mỹ Đức đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời chỉnh trang cảnh quan, kết hợp các tiết mục văn hóa phi vật thể và nghệ thuật dân gian truyền thống, trò chơi dân gian vào chương trình nhằm nâng cao giá trị văn hóa của lễ hội.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) Bùi Văn Triều cho biết, điểm đổi mới nổi bật của Lễ hội chùa Hương 2025 là mỗi lái đò có mã QR code tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách và để Hợp tác xã quản lý. Mỗi thuyền đò có mã QR tương tác để du khách thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò.
“Đối với những trường hợp làm phiền du khách như vòi vĩnh hay các hành vi không đúng mực, Ban Quản lý sẽ nhắc nhở, xử lý nghiêm. Đến nay, chúng tôi chưa gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào và đã có các biện pháp nhắc nhở nhân viên, chủ phương tiện để bảo vệ quyền lợi cho du khách” - ông Bùi Văn Triều thông tin.

Bên cạnh đó, công tác đẩy lùi tệ nạn xã hội tại Lễ hội chùa Hương luôn được Ban Tổ chức quan tâm, xây dựng kế hoạch cụ thể, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng bố trí lực lượng chốt trạm, kiểm tra ngăn chặn, không để xảy ra cờ bạc trá hình; người hành khất, ăn xin; trộm cắp… trong khu vực lễ hội; đồng thời thường xuyên kiểm tra mọi hoạt động văn hóa, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, đồ chơi nguy hiểm…

Hay tại quận Ba Đình có 56 lễ hội được tổ chức hàng năm. Năm 2025, các lễ hội trên địa bàn quận được tổ chức theo đúng quy định của T.Ư và TP, trong đó thực hiện nghiêm “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” của Bộ VHTT&DL. Tháng 1/2025, UBND quận Ba Đình đã tổ chức cho các Ban Quản lý di tích của 14 phường và 54 di tích lịch sử - văn hóa ký cam kết tổ chức lễ hội theo đúng quy định của Bộ tiêu chí này. Với sự triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả nên việc quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn quận Ba Đình đi vào nền nếp, tạo dấu ấn đậm nét trong lòng người dân và du khách.

Mùa lễ hội 2025 là năm thứ hai các địa phương thực hiện triển khai "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" do Bộ VHTT&DL ban hành. Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng cho rằng, để có một lễ hội văn minh cần phải bảo đảm đồng bộ các yếu tố từ công tác xếp hàng, trông giữ xe, người làm công tác phục vụ từ vòng ngoài đến hệ thống bảng, biển chỉ dẫn. “Có nơi du khách đến không biết đi vệ sinh ở nơi nào, đốt hương, vàng mã ở đâu hay dịch vụ bán hàng không công khai giá nên xảy ra xung đột không mong muốn… Có nơi người trông giữ xe, hướng dẫn viên có hành vi chưa chuẩn mực cũng ảnh hưởng đến tâm thế của người đi lễ hội, du Xuân. Do đó, đây là vấn đề mà các địa phương, cơ sở thờ tự phải rất quan tâm, khắc phục” - ông Lương Đức Thắng đề nghị.

 

Cần quan tâm xây dựng các quy chế, nội quy trong các di tích, lễ hội để người dân khi tham gia biết và chấp hành. Đặc biệt, cần giữ gìn bản sắc truyền thống của các lễ hội trong bối cảnh hiện nay, tránh xu hướng hoành tráng hóa, sân khấu hóa thái quá lễ hội, biến lễ hội thành sự kiện mang tính giải trí, thương mại hoặc đưa yếu tố làm bóp méo giá trị truyền thống.
GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo,
Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam