Theo người nhà bệnh nhân, anh N.V.T. làm thợ mộc từ hơn 10 năm nay, mới đây trong lúc đang làm việc tại một xưởng gỗ ở Quốc Oai (Hà Nội), khi vừa cho thanh gỗ vào máy để vót nhọn thì bất ngờ thanh gỗ bắn ngược trở lại đâm ngập sâu vào bụng anh T.
Quá hoảng loạn, anh này đã rút luôn thanh gỗ ra (được xác định cắm sâu hơn 10cm). Sau đó, gia đình đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai trong tình trạng choáng, sốc.
Tại đây, bệnh nhân đã được sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Hà Đông với các dấu hiệu da xanh tái, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt, bụng chướng, chảy máu qua vết thương bụng.
Bác sĩ Bùi Đức Duy - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, nhận định đây là trường hợp nặng, sốc mất máu do vết thương thấu bụng, nghi ngờ tổn thương mạch máu lớn và tổn thương ruột, các bác sĩ trực ngay lập tức kích hoạt báo động đỏ bệnh viện khẩn trương cứu chữa cho bệnh nhân. Vừa hồi sức tích cực, vừa chuyển mổ cấp cứu, khi mở ổ bụng có đến 3-4 lít máu.
Kíp phẫu thuật đã chèn gạc cầm máu và nhanh chóng xác định tổn thương, dù vết thương bên ngoài thành bụng chỉ 1,5 cm. Nhưng thanh gỗ sắc nhọn, xuyên qua mạc treo đại tràng ngang, xuyên mạc treo, đứt mạch mạc treo ruột non chảy máu thành tia, tới đoạn DIII tá tràng xuyên táo tá tràng và sau đó làm rách tĩnh mạch chủ bụng là tĩnh mạch lớn nhất cơ thể.
Vết thương tĩnh mạch chủ cũng là nguyên nhân chính chảy máu, cần cầm máu khẩn cấp nếu không bệnh nhân có thể chết trên bàn mổ. Việc khâu cầm máu tĩnh mạch chủ vô cùng khó khăn do bệnh nhân trong tình trạng sốc, chảy máu nhiều, tĩnh mạch lớn ở sâu, nhiều liên quan.
Sau khi cầm máu được tĩnh mạch chủ, bệnh nhân đã đo được huyết áp. Tuy nhiên, vết thương xuyên táo tá tràng luôn là thách thức khó cho bất kỳ phẫu thuật viên nào. Vì tá tràng luôn là một tạng rất đặc biệt của hệ tiêu hoá, nơi mỗi ngày hàng lít dịch tiêu hoá chảy qua, nguy cơ xì bục rất cao, hoặc gây hẹp lòng tá tràng... Các men tiêu thức ăn nếu chảy ra ngoài sẽ gây nhiễm trùng, chảy máu lại...
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ với các phẫu thuật khâu vết thương tĩnh mạch chủ, cầm máu mạc treo ruột non, khâu vết thương tá tràng, thắt môn vị - nối vị tràng, dẫn lưu tá tràng, mở thông ruột non...
Trong mổ và sau mổ, bệnh nhân phải truyền 14 đơn vị máu, cùng với đó, bệnh nhân điều trị tích cực với sự theo dõi sát sao của các bác sĩ khoa Tiêu hoá, Gây mê hồi sức.
Hiện tại, sau mổ 7 ngày, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, không sốt, da niêm mạc hồng, không có dấu hiệu chảy máu, mất máu, tự ăn đường miệng, sonde dẫn lưu đã rút bớt. Gia đình bệnh nhân hết sức vui mừng vì bệnh đã được cứu sống. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Bùi Đức Duy, vết thương tĩnh mạch chủ do tai nạn lao động là rất hi hữu, khá nặng nề, với vết thương tim, vết thương mạch máu lớn bệnh nhân thường tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện. Trường hợp này, may mắn bệnh nhân đã đến viện kịp thời nên mới được cứu sống.
Các bác sĩ khuyến cáo, người lao động luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn lao động tránh tai nạn đáng tiếc. Đặc biệt, khi bị thương thấu bụng không được tự ý rút vật gây thương tích ra mà nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử lý kịp thời, tránh làm tình trạng bệnh trở nên phức tạp nặng nề hơn.