Trận mưa lớn tại Hà Nội chiều tối 17/8 đã làm hàng loạt cây cổ thụ tróc rễ, đổ rạp. Nguy hiểm hơn, một cây xà cừ cổ thụ trên phố Lò Đúc đã bất ngờ đổ, đè bẹp chiếc taxi của hãng Mai Linh và làm tài xế tử vong tại chỗ. Theo thống kê của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh, trên địa bàn Hà Nội đã có khoảng 100 cây xanh bị gãy đổ do trận mưa trên, và phần lớn trong số này là các cây xà cừ cổ thụ.
Khoảng vài năm trở lại đây, hầu như mỗi trận mưa lớn, trên đường phố của Thủ đô lại có cây cổ thụ bị đổ, và thống kê cũng cho thấy, hầu hết là cây xà cừ. Câu hỏi được dư luận quan tâm là tại sao cây xà cừ lại dễ đổ hơn những cây khác và nên chăng, cần có nghiên cứu mang tính khoa học, nghiêm túc về vấn đề này. Cần thiết, có thể trồng thay thế những cây xà cừ bị đổ bằng những loại cây khác có bộ rễ chắc chắn, bám sâu hơn vào đất.
Cây đổ trên đường phố Hà Nội chủ yếu là xà cừ.
Theo thống kê của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh, chỉ tính riêng Hà Nội cũ, đã có trên 200.000 cây xanh, thuộc 150 loài. Đa số được trồng 30-40 năm trước đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Điển hình như xà cừ, hiện chiếm 28%, có bộ rễ chùm tốn đất, không đủ sự vững chắc. Vào mùa mưa bão, xà cừ rất dễ bị đổ. Ước tính, Hà Nội hiện có khoảng 10.000 cây xà cừ.
Nhiều thập kỷ qua, cây xà cừ là một trong những hình ảnh gần gũi của người dân Hà Nội. Tán rộng, xanh mát… Nhưng chính loại cây này đang là nỗi lo ngại của cả cơ quan chức năng và người dân. Không chỉ dễ đổ vì bộ rễ chùm, rễ của loại cây này còn thường xuyên mọc trồi lên mặt đất, làm cong, nứt mặt hè phố. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Công ty TNHH Công viên Cây xanh Hà Nội, hàng trăm cây xà cừ cổ thụ này có kích thước rất lớn, khó di chuyển và đòi hỏi chi phí lớn nếu muốn chặt hạ. Và phía Công ty này cho biết, sẽ chỉ thay thế xà cừ bằng những loại cây khác khi có cây bị sâu, chết hay bị bão quật đổ.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho rằng Hà Nội không nên trồng xà cừ. Ông Hùng nhận định, cây xà cừ, còn có tên gọi là lim trắng, có rễ rất nông. “Những năm 60-70 của thế kỷ trước, người ta đã trồng những cây xà cừ quanh bến tàu điện ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Cây lớn rất nhanh. Có cây đường kính ở gốc tới 2m. Thế nhưng, chỉ một vài cơn bão lớn, chúng đã bị lật nhào nên bây giờ hầu như không còn cây xà cừ nào ở quanh Bờ Hồ. Tuy nhiên, nếu bà con để ý sẽ thấy ở đây có những cây sấu trồng từ thời Pháp tới nay vẫn tươi tốt, có khi đã tới cả 100 tuổi. Nếu đi dọc các phố Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng... ở Hà Nội, có nhiều cây sấu cổ thụ ngót nghét 100 tuổi mà không có cây nào bị đổ gãy, đó là những cây có rễ cọc và có bạnh vè vững chắc. Sấu lại có lá xanh quanh năm, bóng mát không kém gì xà cừ”, ông Nguyễn Lân Hùng gợi ý.
Ngoài ra, theo ông Hùng, ngoài sấu, có thể lấy các cây cũng có độ bám chắc và tỏa bóng mát như cây cơm nguội hoặc cây long não. Nhận xét về trường hợp cây xà cừ đổ làm chết lái xe taxi trên phố Lò Đúc chiều 17/8, ông Nguyễn Lân Hùng bức xúc: “Đã đến lúc cần quy trách nhiệm, khi trồng loại cây gì trên đường phố, Công ty TNHH Công viên Cây xanh phải nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm sinh học để lựa chọn cây trồng cho phù hợp chứ không thể để xảy ra thêm nhiều tai nạn nữa. Nếu cây đổ làm sập nhà dân thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”