Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội ngày càng đáng sống

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn về Hà Nội trong thời gian tới, ông Bjorn Savlid - Bí thư thứ hai Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, Giám đốc Hội đồng Thương mại và đầu tư Thụy Điển, đã chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị những tiềm năng phát triển và đầu tư đầy triển vọng.

Môi trường đầu tư thân thiện

Dưới góc độ đại diện của cộng đồng DN Thụy Điển tại Việt Nam, ông nhận định thế nào về môi trường đầu tư của Hà Nội?

- Chúng tôi nhận thấy môi trường đầu tư của Hà Nội đang ngày càng thân thiện. Những biện pháp hỗ trợ từ chính quyền TP đang đi theo hướng tích cực với hai yếu tố chính. Thứ nhất, chính quyền đang nỗ lực tạo môi trường sống hấp dẫn người nước ngoài tới đây sinh sống và làm việc. Trong đó, việc mở tuyến phố đi bộ vừa qua là một trong những quyết định đúng đắn khiến Hà Nội trở thành một “đô thị quốc tế”. Thứ hai, nguồn đầu tư vào cơ sở vật chất đang gia tăng mạnh mẽ. Điều đó thể hiện ở việc TP đưa tuyến xe bus nhanh (BRT) vào vận hành, nhiều tuyến metro line cũng đang được xây dựng.
 Du khách quốc tế thăm quan Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải 
Chúng tôi thấy rõ sự cởi mở, tích cực tương tác và hỗ trợ của lãnh đạo TP, cũng như Sở KH&ĐT để các DN Thụy Điển mở rộng hoạt động tại Hà Nội. Ví dụ luôn có đường dây nóng hoặc đầu mối để các DN tiếp cận khi có vấn đề xảy ra. Cho tới nay, cộng đồng DN Thụy Điển thường xuyên có đối thoại với chính quyền Hà Nội để mở ra những hợp tác chung. Gần nhất, hồi tháng 5/2018, một phái đoàn thương mại về đô thị thông minh và bền vững đã tới Hà Nội.

Các DN Thụy Điển dự kiến mở rộng hoạt động tại Việt Nam, cũng như Hà Nội thế nào trong thời gian tới?

- Một DN điển hình của Thụy Điển, tập đoàn nội thất IKEA có kế hoạch mở cửa hàng tại Việt Nam trong 2 – 4 năm tới như Bloomberg thông tin gần đây. Việt Nam nhất định nằm trên “bản đồ” khai phá của IKEA và nhiều DN khác nữa. Đến nay có khoảng 60 DN Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam, nếu tính cả các đối tác và nhà phân phối, con số có thể lên tới 160 - con số không hề nhỏ.

Giám đốc khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ Henry Steingass: Giao thông Hà Nội đã có sự thay đổi đáng kể

Hà Nội là một TP có sức thu hút nhờ khả năng phát triển, lực lượng lao động chất lượng. Nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tốt chính là các yếu tố mà các nhà đầu tư tìm kiếm. Một điều rất quan trọng là Hà Nội cũng có các kế hoạch cụ thể cải thiện khu vực ngoại thành. Tôi đến Hà Nội 2 năm trước và sự thay đổi trong lĩnh vực giao thông rất đáng kể. Nhiều cây cầu và đường sá được xây mới từ sân bay đến khu trung tâm. Người đứng đầu cũng nhấn mạnh về việc TP cam kết sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, một số thách thức Hà Nội phải đối mặt là tiếp tục hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cơ bản, cải thiện vấn đề giao thông và tình trạng môi trường. Nhưng điều quan trọng là người đứng đầu TP đã rất cởi mở trao đổi những vấn đề Hà Nội gặp phải và cần giải quyết như ứng dụng công nghệ thông tin, triển vọng của TP và những việc cần triển khai.

Bên cạnh đó, các công ty Thụy Điển tại Việt Nam đều ở quy mô lớn, có thể chia thành 3 nhóm DN. Thứ nhất là các công ty sản xuất cung cấp các giải pháp cứng như Sandvik về thiết bị xây dựng. Họ sẽ tăng cường xuất hiện hơn nữa để đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam của các DN thế giới từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Nhóm thứ hai là các tập đoàn hỗ trợ xây dựng đô thị thông minh bao gồm Ericsson cung cấp dịch vụ viễn thông, ABB với công nghệ tự hành, Axis với camera giám sát. Những giải pháp nhóm DN này cung cấp hiện phù hợp với kế hoạch phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai. Thứ ba là các DN bán lẻ. Chúng ta thấy sự hiện diện tiềm năng của IKEA. Trong khi đó những DN khác trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng như Oriflame chuyên về mỹ phẩm và Daniel Wellington về đồng hồ đã và đang tăng cường hiện diện. Những hãng tiêu dùng này tiên liệu được xu hướng sử dụng sản phẩm chất lượng cao và an toàn từ tầng lớp trung lưu Việt đang gia tăng.

Yếu tố bền vững là trọng tâm để phát triển thông minh

Bên cạnh môi trường đầu tư cởi mở, Hà Nội cũng đang hướng tới một đô thị thông minh trong khu vực. Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm cũng như hỗ trợ của Thụy Điển trong lĩnh vực này?

- Tôi muốn kể lại câu chuyện của Thụy Điển với nhiều nét tương đồng với quãng đường mà Hà Nội đang trải qua. Nhìn lại giai đoạn năm 1950 - 1960, Thụy Điển còn là quốc gia với nhiều quan ngại về ô nhiễm môi trường. Từ đó tới nay, chúng tôi đã ráo riết biến những đô thị Thụy Điển trở nên bền vững, thông minh và thân thiện hơn. Theo đó, kể từ thập niên 1970 tới nay, mức phát tải khí CO2 của Thụy Điển được cắt giảm tới 50%. Chúng tôi hướng đến ngừng hoàn toàn việc sử dụng nguồn năng lượng từ than. Bên cạnh đó, tỷ lệ thiệt mạng vì TNGT của chúng tôi cũng giảm 50% kể từ cuối năm 1999 tới 2016.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Malaysia tại Việt Nam M. Zamruni Khalid: Phát triển mà vẫn cổ kính

Đây không phải lần đầu tiên tôi làm việc tại Hà Nội. Năm 1996, tôi đã tới đây làm việc và trở lại TP này một lần nữa vài năm trước. Tôi nhận thấy, Hà Nội có nhiều thay đổi. Hà Nội giống như một người bạn cũ, trở lại đây, tôi ấn tượng khi TP đã phát triển thành một khu đô thị hiện đại, song vẫn giữ được nét văn hóa ở khu phố cổ. Một sự thay đổi mà ai cũng nhận ra đó là cuộc sống của người Hà Nội đã sung túc hơn rất nhiều.

20 năm trước khi tôi ở đây, tôi có đi thăm một vài ngôi đền, chùa nổi tiếng, tôi thấy những địa điểm có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch, song lại chưa thực sự được đầu tư vào thời điểm đó. Bây giờ, Chính phủ và chính quyền TP Hà Nội đã có những nỗ lực tu sửa để các khu di tích đó phát triển và thu hút du khách hơn.

Về tuyến phố đi bộ vào cuối tuần, tôi rất tán thành với chính quyền Hà Nội, bởi có một nơi an toàn để du khách đi dạo, đặc biệt là với những người chưa quen với giao thông Hà Nội. Việc xây dựng tuyến phố đi bộ cuối tuần đã tạo điều kiện cho người dân và du khách có thể ngắm kỹ hồ Gươm, mà không phải lo sợ về sự an toàn của bản thân khi đi bộ trên đường.
Quá trình đạt được những mục tiêu phát triển đó có sự đóng góp từ cộng đồng DN. Họ hỗ trợ chính quyền xây dựng cơ sở kiến thức đô thị, hệ thống bus có Volvo và Scania, các giải pháp năng lượng từ ABB, camera giám sát trên đường phố từ Axis, hay chuyên sâu hơn là công nghệ internet vạn vật và viễn thông từ Ericsson. Các DN này đã làm việc tích cực với chính quyền Thụy Điển. Đến nay, họ hoàn toàn tự tin, cũng như có kinh nghiệm sâu sắc trong hỗ trợ các đô thị phát triển thông minh, bền vững. Tôi tin họ sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trong tiến trình này.

Hà Nội có thể tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế thế nào trong quá trình phát triển thông minh?

- Hà Nội cũng như Việt Nam cần nhìn vào những kinh nghiệm của các đô thị trên thế giới, tiếp thu chọn lọc để phù hợp với bối cảnh hiện tại. Kinh nghiệm của Thụy Điển là tập trung vào yếu tố bền vững và quy hoạch dài hạn. Do đó, lời khuyên của chúng tôi là khi lựa chọn các giải pháp phát triển cho Hà Nội, hãy hướng đến 10 - 15 năm, tập trung vào chất lượng và chi phí vòng đời. Ví dụ, hệ thống xe bus đô thị, đừng chỉ nhìn vào chi phí mua ban đầu mà xem xét những yếu tố như khả năng tiêu thụ nhiên liệu, chi phí bảo trì, thời lượng khấu hao. Với tư duy chính sách như vậy, các đô thị sẽ được trang bị cơ sở vật chất một cách hiệu quả và tiết kiệm.

Một bí quyết nữa là sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan TP khi đưa ra các kế hoạch về phát triển đô thị. Sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu với cộng đồng DN trong việc đưa ra các giải pháp đô thị rất quan trọng, trong khi chính quyền là đơn vị có trách nhiệm cuối cùng trong việc quy hoạch và triển khai. Tôi cũng hy vọng, với những ví dụ điển hình, hiệu quả tại các đô thị lớn như Hà Nội sẽ tạo ra được “chiến dịch” cho các địa phương khác noi theo. Ví dụ như Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh đang xem xét học tập mô hình BRT của Hà Nội.

Việt Nam đang đi đúng hướng, nhìn vào trường hợp của Hà Nội sẽ thấy rõ. Hà Nội đang trở thành điểm đến, điểm sống và làm việc lý tưởng của người trong nước cũng như nước ngoài. Đó chính là sức hút của một môi trường lành mạnh, có tính cạnh tranh cao.

Xin cảm ơn ông!

Cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier: Thành phố năng động

Khi bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ vào tháng 8/2012, tôi đã có cảm giác thân quen, như đã từng sống ở đây. Có lẽ vì Hà Nội còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc Pháp, đặc biệt khu phố cổ giống như có sự “kết hôn” giữa kiến trúc Pháp và Việt Nam. Thực ra lần đầu tôi đến đây là vào năm 1989 trong một cuộc họp ngoại giao. Lúc đó tôi rất xúc động, nhưng cũng thấy buồn vì cứ tối đến lại tối om. Nhưng khi tôi quay lại, TP đã trở nên năng động. Thanh niên lúc nào cũng cười tươi tắn, suy nghĩ tích cực.

Người dân Hà Nội có cách sống trong TP rất riêng. Họ sống trên vỉa hè, ăn cơm, nuôi con, làm ăn trên vỉa hè. Để người du lịch đi loanh quanh TP và quan sát đời sống vỉa hè, họ sẽ hiểu nhiều về tính cách, tập quán, thói quen của người Việt Nam. Điều đặc biệt của Hà Nội là lưu giữ được những lớp kiến trúc lịch sử tiếp nối thông qua những nét kiến trúc đặc trưng. Bên cạnh sự giao thoa của các kiến trúc Pháp cổ với kiến trúc Việt Nam là những hình thái làng quê xen kẽ đô thị.

Những “chuồng cọp” cơi nới tại các khu tập thể ở Thành Công, Giảng Võ quanh Núi Trúc là nét đặc trưng minh chứng cho lối sống thích nghi của người Hà Nội. Dù biết những khu tập thể này sẽ dần biến mất trong quy hoạch đô thị, nhưng sẽ rất đáng giá và thú vị khi giữ lại một vài khu tập thể như minh chứng sống của lịch sử Hà Nội.


Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene: Thành phố đi đầu thí điểm đô thị thông minh trong khu vực

Với tốc độ đô thị hóa mạnh, cho tới năm 2050, khoảng 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong các đô thị, tạo ra thách thức về phát triển bền vững do nguy cơ thiếu việc làm, giao thông quá tải, ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, các đô thị trên thế giới hướng tới phát triển thông minh, bền vững hơn, đảm bảo an toàn, giúp chính quyền xử lý các thách thức từ tốc độ đô thị hóa.

Khu vực ASEAN đang xây dựng mạng lưới đô thị thông minh và tạo hệ sinh thái thông minh trong khu vực, tạo sức mạnh tổng lực. Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh là những TP đi đầu thí điểm mô hình đô thị thông minh trong khu vực.

Đại sứ quán Hoa Kỳ trong 2 năm qua đã tích cực phối hợp với chính quyền T.Ư và địa phương đưa ra các sáng kiến về đô thị, công nghiệp thông minh hỗ trợ các DN trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, điện tử, mạng lưới thông minh, đảm bảo an ninh mạng. Chúng tôi mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ, tạo điều kiện cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực này. Xây dựng đô thị thông minh là tiến trình dài hạn, còn nhiều thách thức, đặc biệt là huy động nguồn vốn. Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng như cộng đồng DN Hoa Kỳ muốn có cơ hội cùng tăng cường quan hệ kinh tế song phương để cùng ứng dụng các công nghệ thông minh trong phát triển đô thị của Việt Nam.


Đồng Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam Denis Brunetti: Sẵn sàng đồng hành cùng Hà Nội thúc đẩy thương mại điện tử

Một trong số những kế hoạch phát triển của Hà Nội có đề cập hướng đến một đô thị thông minh, với nền tảng công nghệ và có kết nối tốt về điện tử. Công nghệ sẽ đem đến sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa, từ y tế, kinh tế, giao thông, sản xuất… Thương mại di động và điện tử là chìa khóa để Việt Nam cất cánh thành công. Các giao dịch trực tuyến hỗ trợ phương tiện thanh toán và giao thương. Theo đó, cần khuyến khích DN địa phương và DN vùng tích cực gây dựng giao diện thương mại điện tử của họ, qua đó thúc đẩy giao dịch thương mại và sự tham gia vào chuỗi giao dịch điện tử. Chúng tôi rất quan tâm và sẵn sàng đồng hành với Hà Nội trong lĩnh vực này.


Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi: 

Hà Nội có lợi thế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực

Việc sở hữu những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính… giúp môi trường đầu tư của Hà Nội thuận lợi hơn so với các tỉnh khác. Thời gian gần đây, đầu tư nước ngoài đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Hà Nội. Đây là cơ hội để Hà Nội đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài với những ưu tiên trong ngành dịch vụ như công nghệ thông tin và công nghiệp sạch, những ngành đòi hỏi chất xám cao như y tế, giáo dục…

Với những cơ hội như vậy trong nhiều lĩnh vực đầu tư, tôi tin rằng trong tương lai, Hà Nội sẽ thu hút thêm nhiều công ty nước ngoài, trong đó các DN Indonesia. Hiện tại, một trong những tập đoàn đầu tư lớn nhất của Indonesia đang đầu tư vào Hà Nội là Ciputra. Thời gian tới, để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, Hà Nội phải tiếp tục đi theo xu hướng phát triển quốc tế, bắt kịp khoa học và công nghệ mới. Đồng thời, đưa ra những ưu đãi hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài mới và tăng cường hợp tác với các nhà đầu tư hiện tại.


Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á, Phòng Thương mại Mỹ John Goyer: Hà Nội đang tiến về phía trước

Những năm qua, tôi nhận thấy Hà Nội đã chú ý đến sự phát triển trên mọi lĩnh vực như năng lượng, môi trường, tài chính, hậu cần... Điều này rất quan trọng, bởi đã cho các nhà đầu tư thấy có rất nhiều cơ hội ở Hà Nội và đây là môi trường cạnh tranh, có khả năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là đối với các DN Mỹ, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các thị trường, họ cân nhắc rất nhiều yếu tố khi quyết định đầu tư như tính minh bạch, thể chế pháp luật cũng như chính sách sẽ ảnh hưởng đến DN. Vì vậy, đây là những vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm để thu hút đầu tư. Mặc dù không dễ dàng để thay đổi một cách nhanh chóng, nhưng tôi đã nhìn thấy những tín hiệu tốt. (Hà Phương - Tú Anh - Lan Hương thực hiện)