Hà Nội: Nghỉ lễ đưa trẻ chơi Trung thu ở đâu?

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong dịp nghỉ lễ 2/9, các đơn vị văn hoá, nghệ thuật tại Hà Nội tổ chức nhiều chương trình vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là các em thiếu nhi.

Vui Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long

Các ngày 2, 3, 4 và 10/9, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình Vui Tết Trung thu 2022 với chủ đề “Đèn thu lung linh”.

Không gian trưng bày Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Minh An.
Không gian trưng bày Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Minh An.

Điểm nhấn của chương trình là chiếc đèn kéo quân khổng lồ và, nhiều loại đèn trung thu truyền thống như đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ; đặc biệt là một số loại đèn trung thu đầu thế kỷ XX được làm theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục hồi lại theo các nguồn tư liệu.

Bên cạnh việc tham quan không gian Trung thu, phụ huynh có thể cho các em nhỏ trải nghiệm làm bánh dẻo trung thu; làm đèn ông sao, đèn thỏ, đèn cù; tô, vẽ mặt nạ giấy bồi; làm diều giấy.

Đến Bảo tàng Dân tộc học làm đồ chơi dân gian

Từ ngày 3-4/9, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tổ chức chương trình “Trung thu: Sức sống đồ chơi dân gian” với sự tham gia của các nghệ nhân dân gian đã nhiều năm gắn bó, bảo tồn đồ chơi truyền thống.

Trẻ em vui chơi dịp Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long.
Trẻ em vui chơi dịp Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long.

Chương trình đem đến những trải nghiệm văn hóa thú vị qua các hoạt động gắn với chủ đề Tết Trung thu. Các bạn nhỏ được nghệ nhân hướng dẫn làm những món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn con thỏ, mặt nạ giấy bồi, diều rô.

Du khách có cơ hội thưởng thức những màn múa lân sư sôi động và trải nghiệm thử tài múa lân của các em nhỏ. Những bạn thích khám phá ẩm thực được làm thử bánh dẻo, giã cốm theo kỹ thuật dân gian.

Bên cạnh đó, công chúng có cơ hội chơi một số trò chơi truyền thống như: nhảy dây, kéo co, đi cà kheo, đi goòng, ô ăn quan. Đặc biệt, công chúng còn có cơ hội khám phá Tết Trung thu của Việt Nam và Hàn Quốc thông qua bàn thờ và mâm cỗ Trung thu.

Tại góc trưng bày này, du khách được tìm hiểu những nét tương đồng và khác biệt trong Tết Trung thu của Việt Nam và Hàn Quốc. Các thông tin về ý nghĩa trong cách bày biện lễ vật trên bàn thờ của mỗi quốc gia sẽ đem lại những kiến thức thú vị cho công chúng.

Ngoài ra, các em nhỏ ưa thích sáng tạo có cơ hội tự tay làm một số đồ chơi dân gian gắn với tìm hiểu các kiến thức khoa học. Những bức tranh về chủ đề trung thu được ghép từ những nguyên liệu tái chế cũng sẽ là một hoạt động thú vị mang ý nghĩa bảo vệ môi trường dành cho các bạn trẻ trong chương trình này.

Nhà hát múa rối Thăng Long diễn vở “Cuộc chu du của chú Cuội, chị Hằng”

“Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng” mở ra với không khí rộn rã của đêm hội đón trăng rằm. Nhân vật trung tâm là chú Cuội và Chị Hằng từ cung trăng.

Hình ảnh trong vở diễn “Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng”.
Hình ảnh trong vở diễn “Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng”.

Một chương trình xinh xắn vừa lồng ghép các trò chơi truyền thống của Việt Nam như rước đèn, múa sư tử, múa lân, múa rồng, múa trống cơm, múa rối tay, lại vừa tiếp cận với khán giả nhí thời địa này qua các nhân vật cổ tích và hoạt hình như Alibaba, thầy trò Đường Tăng- Tôn Ngộ Không, yêu quái Bạch Cốt Tinh, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn cùng ba bà hoàng hậu độc ác, chị em công chúa tuyết Elsa và Anna, các siêu nhân, Người nhện.

Phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Khác với thời gian này năm ngoái phải đóng cửa vì Covid-19, phố Hàng Mã những ngày này đã ngập tràn không khí của Trung thu.

Nhiều phụ huynh đưa con nhỏ đến phố Hàng Mã dịp Trung thu.
Nhiều phụ huynh đưa con nhỏ đến phố Hàng Mã dịp Trung thu.

Các chủ hàng tại Phố Hàng Mã cho biết, năm nay không khí Trung thu đã nhộn nhịp từ Rằm tháng 7. Ngay cả ngày trong tuần, từ 7 giờ tối trở đi, Phố Hàng Mã bắt đầu đông đúc. Rất nhiều các bạn trẻ, các gia đình dẫn con nhỏ đi thăm thú không khí Trung thu.

Trung thu năm nay, đồ trang trí rất đa dạng với nhiều mẫu mã, xuất hiện song song những món đồ chơi truyền thống và hiện đại. Vẫn giữ cảm hứng từ lồng đèn truyền thống, mặt nạ,... nhưng đã có sự đa dạng hơn trong các thiết kế.

Không chỉ riêng Việt Nam, các du khách nước ngoài cũng thích thú và bị thu hút bởi những nét truyền thông và không khí náo nhiệt của “con phố lễ hội” này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần