Vận hành nhiều trạm bơm sẽ gặp khó khăn
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến tháng 3/2022, tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, xu hướng sẽ ít có mưa. Tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước trên các hồ chứa lớn thuộc thượng lưu lưu vực sông Hồng tiếp tục xảy ra từ nay đến tháng 3/2022. Nguồn nước trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ được dự báo sẽ thiếu hụt từ 30 - 50%, đặc biệt là trên lưu vực các sông: Đà, Thao, Lô.
Theo thống nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ NN&PTNT, các nhà máy thủy điện sẽ thực hiện 3 đợt điều tiết nước bổ sung từ các sông phục vụ gieo cấy vụ Xuân 2022. Trong đó, đợt 1 sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 4/1/2022 và kết thúc vào 24 giờ ngày 6/1/2022 (tổng cộng 3 ngày).
Nguồn nước thậm chí sẽ còn khó khăn hơn bởi theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Văn bản số 4319/EVN-KTSX phát đi mới đây, nhà máy thủy điện Hòa Bình đang thực hiện thay thế thiết bị định kỳ. Công tác này chỉ hoàn thành vào khoảng tháng 4/2022. Trong thời gian xả nước phục vụ gieo cấy vụ Xuân 2022, nhà máy thủy điện Hòa Bình sẽ chỉ vận hành được tối đa 7/8 tổ máy.
Một số chuyên gia đánh giá, với điều kiện chỉ vận hành được tối đa 7/8 tổ máy và tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông đang tiếp diễn, khả năng mực nước trung bình tại Trạm thủy văn Hà Nội chỉ đạt ở mức +1,8m, tại Trạm thuỷ văn Sơn Tây ở ngưỡng +3,0m. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi dọc các sông: Hồng, Đà, Đuống.
Các trạm bơm chính của Hà Nội sẽ gặp khó khăn trong vận hành lấy nước như: Thanh Điềm (huyện Mê Linh), Ấp Bắc (huyện Đông Anh), Phù Sa (thị xã Sơn Tây), công Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm)… Khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất vụ Xuân 2022 trên địa bàn Hà Nội là hoàn toàn có thể xảy ra.
Sẵn sàng phương án chuyển đổi sản xuất
Là một trong những địa phương có diện tích gieo trồng vụ Xuân lớn nhất toàn TP, công tác chuẩn bị đã được huyện Sóc Sơn rốt ráo thực hiện từ nhiều tháng nay.
“Toàn huyện dự kiến gieo trồng hơn 10.000ha lúa và hoa màu. Thời gian qua, địa phương đã tiến hành nâng cấp hệ thống thủy lợi được phân cấp. Trong đó, tập trung nạo vét hệ thống kênh mương để sẵn sàng cho công tác lấy nước vụ Xuân…” - Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết.
Hiện, các doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội cũng đã cơ bản hoàn thành sửa chữa hư hỏng công trình, nạo vét các cửa dẫn nước, bể hút, trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh mương, thuỷ lợi nội đồng. Công cụ, phương tiện bơm dã chiến để hỗ trợ cấp nước phòng chống hạn khi cần thiết cũng đã được bố trí sẵn sàng.
Cán bộ, nhân viên các trạm bơm cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước để chủ động vận hành các công trình lấy nước ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ… nhằm khai thác triệt để nguồn nước. Tích trữ nước vào hệ thống ao, hồ, sông ngòi, kênh mương…, kết hợp quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống thất thoát, rò rỉ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát kỹ lưỡng những diện tích có nguy cơ gặp khó về nguồn nước. Linh hoạt chuyển đổi sang gieo trồng các loại cây khác, đặc biệt là tại các địa phương thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước như: Mê Linh, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất… Đồng thời, nghiên cứu hạn chế phương thức gieo sạ lúa để giảm nhu cầu nước.
“Hà Nội và các tỉnh thành khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ cần tiếp tục rà soát các cửa lấy nước từ hệ thống sông Hồng - Thái Bình. Trường hợp không đảm bảo, cần có phương án điều tiết nguồn nước thay thế, hoặc lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chủ động lấy nước. Trong thời gian lấy nước, cần tập trung thực hiện tốt công tác thuỷ lợi nội đồng để bảo đảm khả năng dẫn, tích nước, bảo đảm không để thiếu nước sản xuất vụ Xuân 2022…”.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất theo hướng tiết kiệm, tránh lãng phí. Phổ biến các quy định về bảo vệ công trình thủy lợi; đặc biệt là xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm, nhất là các trường hợp có thể gây ảnh hưởng đến dòng chảy, khả năng dẫn nước của toàn hệ thống chống hạn phục vụ gieo trồng vụ Xuân.