Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Nhiều đơn hàng đặt mua sản phẩm OCOP tại “Chợ đêm trên mây”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 20 giờ 30 tối 24/9, chương trình “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” chính thức khai mạc. Sự kiện do Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, và là hoạt động đầu tiên của ngành NN&PTNT sau khi Hà Nội ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND.

Chủ thể đến từ Hà Giang giới thiệu sản phẩm bánh chưng tại phiên chợ tối 24/9.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, chương trình “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” là hoạt động tiếp nối chuỗi các hoạt động thiết thực thời gian qua của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội. Điển hình như: Tập huấn kỹ năng tiếp thị và bán hàng trên môi trường số “Tập huấn online”; Hoạt động truyền thông, tiếp thị “Ngày hội Livestream”, hay hoạt động xúc tiến thương mại thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây”…
Chương trình được tổ chức nhằm giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Từ đó, khắc phục đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn Hà Nội, bảo đảm đầy đủ nông sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu cho người dân Thủ đô.
Tại chương trình, 13 chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền đến từ nhiều tỉnh, TP đã lên sóng livestream, thông tin giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm. Sản phẩm được giới thiệu đều có phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm; tem truy xuất nguồn gốc; chứng nhận sở hữu trí tuệ; chỉ dẫn địa lý; nhãn hiệu sản phẩm; hệ thống quản lý chất lượng… và được kiểm duyệt nghiêm ngặt về chất lượng của Ban tổ chức.
"Chợ đêm trên mây" sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Hà Nội.
Tại sự kiện tối 24/9, đã có hơn 500 chủ thể, người dân, khách hàng tham gia. Nhiều đơn hàng đặt mua sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền đã được kết nối. Các chủ thể sẽ tiếp nhận và chuyển đến người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, giá cả các sản phẩm được giới thiệu và bán tại phiên chợ đều ưu đãi hơn so với bên ngoài thị trường.
Chị Nguyễn Anh Thư - Giám đốc chuỗi thực phẩm sạch Organic Green, một trong 13 chủ thể tham gia sự kiện tối 24/9, cho biết thời gian qua đã được tham gia lớp tập huấn livestream giới thiệu và bán sản phẩm do Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức. Cùng với kiến thức có được, chị hoàn toàn tự tin lên sóng tại sự kiện “Chợ đêm trên mây” hôm nay.
Chị Thư cũng như nhiều chủ thể đều đánh giá cao giải pháp sáng tạo của đơn vị có liên quan trong việc hỗ trợ các chủ thể kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền. Đồng thời kỳ vọng sự kiện sẽ được lan toả để có đông đảo người tiêu dùng Hà Nội và trên cả nước tham gia trong những phiên “Chợ đêm trên mây” tiếp theo.
Chia sẻ tại sự kiện tối 24/9, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN Nguyễn Trung Thành cho biết, chuyển đổi số hiện nay đóng vai trò quan trọng đối với quảng bá sản phẩm OCOP, đặc biệt trong việc nâng tầm câu chuyện cho sản phẩm. Đây cũng là yếu tố hết sức quan trọng để thu hút người tiêu dùng tìm đến, tiêu thụ sản phẩm.  
Cũng theo ông Thành, với sự hợp tác của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, sau sự kiện thí điểm tối nay (24/9), từ tối thứ 6 tuần sau, đơn vị sẽ tiếp tục duy trì các phiên “Chợ đêm trên mây”. Chương trình được kỳ vọng sẽ thay đổi phương thức tiêu thụ và thói quen tiêu dùng của người dân, bảo đảm ổn định chuỗi giá trị nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19.