Ngay từ đầu năm 2022, Ban chủ nhiệm chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã phát huy hiệu quả: Tổ chức thành công Chiến dịch Giờ trái đất với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút được đông đảo người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, người lao động...
Đối với mỗi lĩnh vực cụ thể, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng thông tin, Sở đã có nhiều sự hỗ trợ kịp thời. Đơn cử như lĩnh vực giao thông vận tải, đã hoàn thiện, tham mưu trình UBND Thành phố “Quy định tổ chức, quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố; Đề án “Quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn, phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn giao thông”; hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vận tải trong việc chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng sang sử dụng nhiên liệu sinh học (xăng E5).
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng: Lắp đặt và từng bước nhân rộng hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng tái tạo tại các khu vực phù hợp. Lĩnh vực nông nghiệp cũng được ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp: Ứng dụng công nghệ cao sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, bảo quản nông sản, hệ thống tưới, tiêu thoát nước; cải tạo, nâng cấp các trạm bơm tưới, tiêu công nghệ mới; triển khai giải pháp khuyến khích sử dụng hầm biogas kết hợp sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong hộ gia đình và sản xuất nông nghiệp...
Phổ biến tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các công trình xây dựng: Quá trình thẩm định và kiểm tra công tác nghiệm thu đã hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tuân thủ thực hiện lựa chọn vật liệu xây dựng, thiết bị đảm bảo phù hợp theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD.