Hà Nội: Nhiều thành công sau kỳ kiểm tra online diện rộng đầu tiên

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Học kỳ II năm học 2020- 2021, hầu hết các trường học công lập trên địa bàn TP đã tổ chức kiểm tra định kỳ cuối năm bằng hình thức trực tuyến. Tuy là lần đầu tiên thực hiện kiểm tra online trên diện rộng nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của nhà trường, thầy cô cùng sự kề vai, góp sức của phụ huynh, kỳ kiểm tra online đã thực hiện thành công và mang lại nhiều ý nghĩa.

Cùng nhau thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh
Từ nửa sau tháng 7 trở lại đây là thời điểm các trường công lập trên địa bàn TP lên kế hoạch kiểm tra học kỳ II trực tuyến. Do năm nay học sinh được nghỉ hè sớm 2 tuần nên trước khi kiểm tra, các trường còn có nhiệm vụ ôn tập để hệ thống lại kiến thức cho học sinh. Và rồi, vì là lần kiểm tra định kỳ đầu tiên áp dụng hình thức trực tuyến nên việc lựa chọn phần mềm, chuẩn bị ngân hàng đề, chạy thử, kiểm tra thử để đảm bảo việc học sinh không bỡ ngỡ khi thi chính thức…- những nhiệm vụ này đã được các trường gấp rút thực hiện.
Là trường vừa hoàn thành kiểm tra cuối kỳ 2 online vào chiều 12/8, thầy Đặng Bá Văn – Hiệu trưởng trường THCS Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho biết: “Thoạt đầu, nghĩ đến kiểm tra trực tuyến, nhà trường rất băn khoăn bởi với đặc thù trường nông thôn, hạ tầng, thiết bị khó đảm bảo để số lượng đông học sinh kiểm tra cùng lúc. Nhưng rồi, khi nhìn vào thực tế dịch bệnh phức tạp, quỹ thời gian cho năm học cũ chẳng còn nhiều trong khi nhiệm vụ còn dang dở nên cả thầy, trò, phụ huynh cùng động viên nhau nỗ lực, cố gắng và quyết tâm để hoàn thành kỳ kiểm tra”.
 Một vài trường công lập cuối cùng tại Hà Nội đang hoàn tất kiểm tra học kỳ 2 online
Việc ôn tập trực tuyến được thực hiện đầy đủ với 3 khối 6,7,8 và sau khi tham khảo nhiều cách thức, trường chọn phần mềm Azonta để kiểm tra. Với 100% học sinh tham gia, các buổi kiểm tra được chia ca theo từng khối lớp, giám thị coi thi nghiêm túc, học sinh làm bài đúng quy chế, công tác tổ chức thi của trường đã diễn ra thành công, đảm bảo yêu cầu. Kinh nghiệm của lần thi này chắc chắn sẽ giúp các thầy cô, học sinh của trường mạnh mẽ hơn, sẵn sàng thực hiện các cuộc kiểm tra online tiếp theo nếu dịch bệnh kéo dài….- thầy Đặng Bá Văn chia sẻ.
Trong 3 ngày (23-25/7), gần 10.000 học sinh khối 6, 7, 8 thuộc các trường THCS công lập trên địa bàn huyện Thanh Oai cùng tham gia kiểm tra cuối học kỳ II bằng hình thức trực tuyến 10 môn thi. Huyện sử dụng hệ thống HanoiStudy để kiểm tra và tỉ lệ thành công đạt 99,8%. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Lượng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai, để đảm bảo kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch trong bối cảnh giãn cách xã hội, Phòng GD&ĐT huyện đã phải xây dựng kịch bản chi tiết với 4 phương án cụ thể để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Các khâu: Chuẩn bị ngân hàng câu hỏi và ra đề kiểm tra cho từng môn ở từng khối lớp, chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí sắp xếp cán bộ giáo viên giám sát ca thi, phối hợp chặt chẽ với đơn vị kỹ thuật vận hành hệ thống và Công ty Điện lực Thanh Oai để đảm bảo cung cấp điện thông suốt trên địa bàn huyện trong 3 ngày tổ chức kiểm tra... đều được quan tâm chuẩn bị kỹ lưỡng. Các công đoạn tổ chức kỳ thi đã trở thành bài học để phòng giáo dục, các nhà trường, giáo viên và học sinh chủ động, vững vàng hơn trong công tác chuẩn bị và thực hiện nhiệm vụ năm học mới.
Phép thử của lòng trung thực
Cô Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: “Trường tổ chức kiểm tra online với tất cả các khối lớp, trong đó có khối 1. Là lần đầu tiên làm bài kiểm tra theo hình thức này nên cả cô và trò có nhiều bỡ ngỡ. Với những bước hướng dẫn cụ thể của cô, sự kèm cặp, hỗ trợ chặt chẽ của bố mẹ về cài đặt thiết bị, kỳ thi đã diễn ra thành công và cho kết quả tốt. Ưu điểm của kỳ thi trực tuyến đó là tạo cơ hội để học sinh làm quen với cách thức kiểm tra mới, rèn luyện tính nhanh nhẹn, chính xác, sự tập trung và cả lòng trung thực nữa”.
 Kỳ kiểm tra online diện rộng đầu tiên đã mang lại nhiều ý nghĩa
Còn cô Nguyễn Ngọc Anh - Hiệu trưởng trường THCS Thành Công, trường THCS công lập đi đầu trong công tác kiểm tra trực tuyến tại Hà Nội kể lại: Trường tổ chức cho  3 khối 6,7,8 thi vào cuối tháng 5/2021. Thời điểm này, quận Ba Đình vừa tổ chức thành công kỳ khảo sát tiếng Anh online cho học sinh toàn quận nên việc triển khai kiểm tra online với trường THCS Thành Công cũng không quá khó khăn, bỡ ngỡ. Sau nhiều nỗ lực, 2 ngày kiểm tra online của trường đã đạt được kết quả tốt đẹp ngoài mong đợi.
Rất hài lòng với cách thức tổ chức và kết quả của kỳ thi, cô Nguyễn Ngọc Anh bày tỏ: “Kế hoạch thi trực tuyến cũng là một trong những giải pháp hay, phù hợp trước diễn biến dịch phức tạp của dịch bệnh và cũng là tiền đề để nhà trường chủ động thực hiện kế hoạch dạy học trong các tình huống học sinh, giáo viên không thể trực tiếp đến trường. Thêm nữa, hình thức kiểm tra trực tuyến đã giáo dục, góp phần vun trồng một thế hệ học sinh biết tự lập, chủ động, trung thực, vượt qua mọi hoàn cảnh. Đây cũng là một xu thế tất yếu của thời đại giáo dục 4.0”.
Nêu quan điểm của mình về hình thức thi học kỳ online, phụ huynh Nguyễn Thu Hạnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Khi nghe thông báo kiểm tra online, tôi khá lo lắng và e ngại về tính khách quan của kỳ thi. Tuy nhiên, hơn 10 ngày con được cô ôn tập nghiêm túc, kỹ càng các nội dung cơ bản đã học, được tổ chức thi thử để vừa làm quen với cấu trúc đề; vừa thạo các thao tác trên bài làm trực tuyến. Đến giờ kiểm tra, thấy con và các bạn nghiêm túc, thành thạo cách thức làm bài, nộp bài, tôi thấy phấn khởi và nhẹ lòng. Sự thích ứng với điều kiện dịch bệnh; sự chủ động của nhà trường, giáo viên và học sinh là cách tốt nhất để cùng nhau khắc phục khó khăn, vượt qua giai đoạn dịch bệnh này”.
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020- 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021- 2022 do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Năm học mới sẽ diễn ra trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường nên ngành Giáo dục phải nhận định đầy đủ, thấu đáo, thực tiễn về tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội, ý thức đầy đủ các khó khăn, thách thức; cố gắng hết sức để giảm thiểu những tổn thương. Và muốn vậy, cần ưu tiên mọi biện pháp để toàn ngành chuyển trạng thái, thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực.
Trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh hiện nay là tùy vào từng nơi, từng bối cảnh để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng; chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới trong chỉ đạo, điều hành, kế hoạch, mục tiêu, phương pháp, cách thức giáo dục. Chuyển trạng thái phải tính tới lâu dài chứ không chỉ tạm thời. Mọi sự điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh, đảm bảo an toàn trên cơ sở không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng.