Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Nhiều xã, phường chưa thực hiện tốt phòng chống sốt xuất huyết

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) với 30 quận, huyện, thị xã. Hà Nội đặt mục tiêu giảm số ca mắc mới bền vững trong thời gian tới.

Báo cáo kết quả công tác phòng chống dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, số ca mắc SXH trong tuần qua đã giảm ở hầu hết các quận, huyện như Hoàng Mai (giảm 67), Đống Đa (giảm 54), Thanh Trì (giảm 38)... Một số quận, huyện có số ca mắc tăng so với tuần trước: Hà Đông (tăng 55), Long Biên (tăng 8), Tây Hồ (tăng 7). Như vậy, lũy tích từ đầu năm 2017 đến nay, toàn TP ghi nhận gần 29.000 ca mắc SXH, 7 trường hợp tử vong.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại cuộc họp
TS Hoàng Đức Hạnh cho biết, qua kiểm tra công tác phòng, chống SXH ở một số xã, phường cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Như tại 3 xã (Quảng Phú Cầu, Trường Thịnh, Liên Bạt) thuộc huyện Ứng Hòa thì 5/6 hộ gia đình được kiểm tra có ổ bọ gậy, trong đó 4 hộ sửa chữa ô tô, xe máy tồn động nhiều lốp xe cũ không được che đậy, 1 hộ có nhiều dụng cụ chứa nước chứa nhiều bọ gậy, đội xung kích và tổ giám sát được thành lập theo hướng dẫn của TP nhưng chưa có bằng chứng hoạt động. Tương tự, xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) chậm xử lý ổ dịch theo quy định, chưa trả kinh phí cho đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát. Tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ), đội xung kích thiếu các trang thiết bị cơ bản để tìm, diệt bọ gậy, hiệu quả diệt bọ gậy chưa cao, hoạt động mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền là chính.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra của Tổ kỹ thuật (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) tại 22/30 quận huyện cho thấy, một số xã, phường, thị trấn có tỷ lệ sót ổ bọ gậy cao (trên 30% các hộ gia đình) là: Cao Viên (huyện Thanh Oai), Hồng Minh (huyện Phú Xuyên), Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn), Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm), Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), Đội Bình (huyện Ứng Hòa). Một số xã, phường tỷ lệ phun hóa chất thấp (dưới 90%) là: Bồ Đề (quận Long Biên), Nhật Tân (quận Tây Hồ), Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm), Mai Dịch (quận Cầu Giấy), Cam Thượng (huyện Ba Vì).
TS Hoàng Đức Hạnh nhận định, số ca mắc SXH ở Hà Nội liên tục giảm trong 4 tuần gần đây. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết mưa nhiều, học sinh, sinh viên bước vào năm học mới, hơn nữa hiện đang giữa tháng 9 là thời gian nằm trong chu kỳ đỉnh dịch hàng năm (tháng 9 đến tháng 11), vì vậy không loại trừ khả năng gia tăng ca mắc mới nếu chủ quan trong phòng, chống dịch.

Là quận có số mắc mới cao nhất tuần qua của TP, Phó Chủ tịch quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, tuần vừa qua toàn quận có 235 ca mắc mới, tăng 55 ca, hiện còn 174 bệnh nhân đang nằm viện điều trị SXH. Ngoài chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, quận đã yêu cầu các phường có số mắc cao phải thực hiện thường xuyên cả những ngày thường theo hình thức cuốn chiếu. Đến ngày 19/9, 100% các khu công cộng đã được phun 2 lần, các trường học đã được triển khai phun lần 3, các khu dân cư được khoanh vùng diện rộng đã được phun lần 3. Tuy nhiên, trong quá trình phun hóa chất có 5,1 % hộ gia đình đi vắng, 0,9% hộ gia đình không hợp tác phun. Thời gian tới, quận sẽ dồn tổng lực để xử lý triệt để những ổ dịch cũ và các ổ dịch mới phát sinh.
Nhằm kiểm soát hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy, Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết, quận đã yêu cầu các phường phải cử cán bộ theo dõi, giám sát hoạt động của các đội xung kích theo từng ngày, tránh tình trạng đội xung kích hoạt động không hiệu quả.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, trong tuần tới, TP sẽ cấp bổ sung máy phun mù nóng và một số máy phun công suất lớn cho các quận, huyện trọng điểm. Khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 sẽ bổ sung thêm khoảng 200 máy phun đeo vai cho các quận, huyện. “TP quyết tâm không để xảy ra đỉnh dịch lần thứ 2, do vậy các quận, huyện cần phải chú trọng hơn việc phun hoát chất và diệt bọ gậy. Phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của TP, kiên trì và bền bỉ các biện pháp phòng dịch, tăng cường hoạt động giám sát của cán bộ y tế.” – TS Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, mặc dù số ca mắc SXH của các quận, huyện đã giảm nhưng số ca giảm chưa tương xứng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các đội xung kích hiệu quả hoạt động còn thấp, nhiều nơi đội kiểm tra, giám sát không phát hiện ra những thiếu sót của đội xung kích. Một số xã, phường vẫn chưa tập trung cao để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Sự vào cuộc của học sinh, sinh viên chưa được như mong muốn. Thời gian tới, Sở Y tế yêu cầu các quận, huyện tập trung lực lượng xử lý các ổ dịch đang hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội xung kích. Đặc biệt, dịp này là dịp Tết Trung thu, các khay đựng bánh sau khi vứt ra có thể là nơi chứa nước mưa, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng. Đồng thời, việc phun thuốc phải đảm bảo đúng quy trình, đúng chất lượng. Chu kỳ dịch thường là tháng 9, tháng 11 như vậy việc phòng dịch không phải đến cuối tháng 11 là dừng mà phải có kế hoạch để đối phó với dịch SXH năm 2018.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đánh tình hình dịch SXH trên địa bàn TP đã có những chuyển biến tốt. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch chỉ ra những vấn đề còn tồn tại: Số ca mắc có giảm nhưng không đáng kể, trung bình một ngày có khoảng 200 bệnh nhân mắc mới, con số này so với thời điểm cao điểm là thấp nhưng so với các tỉnh khác thì lại là cao. Số ổ dịch tuần trước 403 ổ nhưng tuần này lại tăng lên 419 ổ dịch. Các biện pháp đã có quyết liệt nhưng hiệu quả của diệt bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra. Một số xã, phường thị trường chưa quyết liệt vào cuộc.
Phó Chủ tịch TP yêu cầu các quận, huyện tiếp tục duy trì công tác phòng chống dịch SXH trong thời gian tới, kiểm điểm các xã, phường, thị trấn chưa vào cuộc tích cực. Đặc biệt, lưu ý vấn đề chi trả kinh phí cho đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát, đảm bảo chi trả đúng, đủ theo quy định và kịp thời. Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị ngay sau cuộc họp, các quận, huyện phải họp giao ban ngay với các xã, phường, thị trấn để quán triệt lại vấn đề phòng chống dịch SXH. “Tháng 10, tháng 11 là một trong những thời điểm trọng điểm dịch SXH dễ bùng phát lại do vậy các quận, huyện phải hết sức lưu ý” – Phó Chủ tịch nhấn mạnh.