Hà Nội: Những chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022 của TP Hà Nội. Trong đó, TP tập trung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước; đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.  

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân. Ảnh: Chiến Công
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân. Ảnh: Chiến Công

Các chỉ số về cải cách hành chính được duy trì, cải thiện

Kết quả triển khai công tác Cải cách hành chính của TP Hà Nội được thể hiện rõ qua các chỉ số PCI và PAPI tiếp tục được duy trì, cải thiện. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của TP và Chỉ số PAR-Index của TP thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Chỉ số SIPAS năm 2021 của TP đạt 87,11% và tăng 3 bậc so với năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra; trong đó chỉ tiêu về mức độ hài lòng chung về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước của TP đạt 86%.

Chỉ số PAPI năm 2021 của TP xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 39 bậc so với năm 2020, trong đó cả 8/8 chỉ số thành phần tăng về thứ hạng. Đặc biệt chỉ số thành phần “Quản trị điện tử” tăng 21 bậc, dẫn đầu cả nước về thứ hạng.

Quyết tâm tạo sự chuyển biến rõ nét về cải cách hành chính cũng được thể hiện qua 2 hội nghị của TP về triển khai, nâng cao hiệu quả công tác CCHC năm 2022 của UBND TP Hà Nội tới tất cả các Sở, ban, ngành TP, UBND cấp huyện, UBND cấp xã để quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác CCHC.

UBND TP cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tìm giải pháp, đăng ký sáng kiến trong thực hiện CCHC. Một số đơn vị đã có cách làm hay trong công tác này được TP ghi nhận như: Quận Cầu Giấy thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh.

Các huyện: Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm thực hiện thí điểm tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo mô hình “Ngày thứ Ba xanh” – không giấy hẹn, trả kết quả ngay. Huyện Thanh Oai, quận Hoàn Kiếm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, dịch vụ hành chính công. Huyện Phú xuyên xây dựng mô hình “3 tại nhà” đối với TTHC thuộc lĩnh vực người có công.

TP đã chủ động ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các thủ tục hành chính khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và Thuế; ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ của các cơ quan hành chính thuộc TP Hà Nội.

Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức; chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc, thủ tục hành chính.

Xây dựng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại

TP chú trọng xây dựng cơ chế liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính và đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tính đến ngày 13/9/2022, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thuộc TP là 1.894 TTHC, trong đó cấp Sở, cơ quan tương đương Sở là 1.535 thủ tục, cấp huyện là 252 thủ tục và cấp xã là 107 thủ tục.

100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tiếp nhận hồ sơ hành chính, các yêu cầu cơ bản đối với cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa đã được các đơn vị quan tâm và thực hiện theo quy định. Một số đơn vị có cảnh quan sạch đẹp, Bộ phận một cửa khang trang, hiện đại gồm Sở KH-ĐT, GTVT, Xây dựng, Tài chính; các quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa, Tây Hồ; các huyện Quốc Oai, Thanh Oai, Gia Lâm….

Từ đầu tháng 9/2022, Văn phòng UBND TP đã tiếp nhận, xử lý theo quy định đối với hơn 1.000 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính qua đường dây nóng (số điện thoại 0243.934.6034), địa chỉ hộp thư điện tử (kiemsoatthutuchanhchinh@hanoi.gov.vn) và trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Ngoài ra, Văn phòng UBND TP triển khai xây dựng kênh thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của người dân, doanh nghiệp trên ứng dụng Zalo.

Tăng phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền

Đến nay, toàn TP đã có 156/175 phường (đạt tỷ lệ 89,4%) thực hiện ủy quyền cho công chức Tư pháp – Hộ tịch đủ điều kiện tiêu chuẩn. Việc ủy quyền giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, được người dân đánh giá cao.

Về thực hiện Đề án “Phân cấp trong giải quyết TTHC”, TP đã ủy quyền cho một số cơ quan, đơn vị thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân. TP ủy quyền cho Sở TN&MT thực hiện một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường; cho phép Sở TN&MT ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.

Qua rà soát, số lượng các thủ tục hành chính đã được phân cấp, ủy quyền là 95 thủ tục hành chính, chiếm 5,04% trên tổng số TTHC cấp TP và cấp huyện; số TTHC dự kiến xem xét thực hiện phân cấp, ủy quyền trong thời gian tới là 634 TTHC, đạt 35,51% TTHC cấp TP và TTHC cấp huyện, 41,65% TTHC cấp TP.

Đối với việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, Ban Cán sự đảng UBND TP đã đề xuất 5 lĩnh vực/nhiệm vụ sửa đổi ngay: Quản lý đường bộ; đầu tư chợ; quản lý tượng đài, tranh hoành tráng; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách cho các quận; quản lý sau đầu tư đối với lĩnh vực di tích.

Cùng với đó, sửa đổi từng bước để đảm bảo nguyên tắc từng bước phân cấp đồng bộ giữa đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với các lĩnh vực hoặc nhiệm vụ đang tập trung quản lý sau đầu tư ở cấp TP theo hướng tăng cường phân cấp cho cấp huyện.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP khóa XVI, ngày 12/9/2022, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn TP và Nghị quyết thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP.

Theo đánh giá, việc tổ chức thực hiện thí điểm phân cấp, ủy quyền một số nội dung đã góp phần từng bước nâng cao năng lực bộ máy, trình độ cán bộ các cấp. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Trong 3 tháng cuối năm 2022, TP sẽ tập trung vào công tác ủy quyền, nhất là đối với những nhiệm vụ, TTHC do các Sở, ngành đang thực hiện trên tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để, phù hợp với việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của TP. Cùng với đó, tiếp tục triển khai Đề án 06 của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan thuộc TP Hà Nội.