Hà Nội nỗ lực đảm bảo tăng trưởng khá

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước các doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu ra, thị trường xuất khẩu bị hạn chế nhưng kinh tế Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.

Điểm sáng dịch vụ, du lịch; số doanh nghiệp tăng

Khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của TP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính đạt 67,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 628,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Khách du lịch đến Hà Nội  trong tháng 10 ước đạt 492 nghìn lượt người, tăng 13,9% so với tháng trước và tăng 74,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Tính chung 10 tháng năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 3.967 nghìn lượt người, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 10/2023, hoạt động xuất, nhập khẩu của TP đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn so với các tháng tháng trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước tính đạt 5.090 triệu USD, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2022. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là máy móc thiết bị, phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng, xăng, dầu; hàng nông sản; hàng hóa khác.

Mặc dù trong tháng 10 có tín hiệu tích cực, nhưng tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 13,8 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 5,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5,9 tỷ USD, giảm 9,7%.

Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng với 2.952 doanh nghiệp tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022; vốn đăng ký mới đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, tăng 29%; Cộng dồn 10 tháng năm 2023, Hà Nội có 26,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 261 nghìn tỷ đồng, tăng 6% về số doanh nghiệp.

Trong 10 tháng vừa qua, Hà Nội thu hút 2,607 tỷ USD vốn FDI, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn TP tháng 10/2023 tăng nhẹ ở mức 0,09% so với tháng trước và tăng 4,16% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 10 tháng năm nay tăng 1,51% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Theo Cục Thống kê Hà Nội, đây là mức tăng thấp, để lại nhiều dư địa cho công tác điều hành, kiềm chế lạm phát cũng như bảo đảm an sinh xã hội của TP.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tập trung chuyển đổi số

Một trong những động lực tăng trưởng chính là đầu tư công cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. 10 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý đạt 38,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 66,6% kế hoạch năm 2023.

Kế hoạch đầu tư công đã được các cấp, các ngành TP Hà Nội nỗ lực thực hiện. Các dự án sớm được triển khai, hoàn thành góp phần hoàn thiện quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị; phát triển kinh tế đồng đều, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

TP yêu cầu các đơn vị cũng thường xuyên tiến hành giao ban, kiểm điểm tiến độ giải phóng mặt bằng và chỉ đạo quyết liệt, có cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ; kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng, thanh toán kế hoạch vốn xây dựng cơ bản, vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thanh quyết toán dự án hoàn thành theo cơ chế linh hoạt bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Ngành du lịch Thủ đô đã chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” và “Hà Nội đến để yêu” đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút khách đến tham quan, du lịch.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn trong thời gian tới, TP giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP. Nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới; xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan Trung ương trên địa bàn.

Ngoài ra, TP Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đó là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Thực hiện nghiêm các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn vốn; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về miễn, giảm, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định…