Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Văn Tường cho biết, trong bối cảnh giá lợn hơi xuống thấp, nông dân thua lỗ, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã có văn bản triển khai triển hướng dẫn và khuyến cáo người chăn nuôi điều chỉnh sản xuất. Đồng thời tháo gỡ về kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi xuống mức ngang bằng với thế giới. Tới đây, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp trực tiếp đào tạo cho người chăn nuôi tại cơ sở để thay đổi phương thức chăn nuôi nửa truyền thống sang chăn nuôi khoa học để có giá thành sản xuất thấp nhất nhằm phát triển bền vững.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay đàn lợn của toàn TP đã giảm xuống còn hơn 1,4 triệu con, tương đương với thời điểm ổn định của những năm trước. Ông Tạ Văn Tường cho biết, số lượng này có dư thừa do đàn lợn tồn chưa bán được. Tuy nhiên, tiên lượng khoảng 2 – 3 tháng tới có khả năng xảy ra tình trạng thiếu lợn. Do đó, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội khuyến cáo các trang trại lớn cần thay đổi cơ cấu con giống để có năng suất cao, chất lượng tốt. Đối với chăn nuôi quy mô nhỏ ngoài khu dân cư, cần đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng sinh học, hữu cơ. Khi đó, chăn nuôi quy mô lớn sẽ bổ trợ cho chăn nuôi nhỏ, phát triển đồng bộ. Chăn nuôi quy mô nhỏ theo hướng hữu cơ, sinh học sẽ cung cấp thực phẩm tại địa phương và liên kết với các chuỗi cung cấp thực phẩm. Chăn nuôi quy mô lớn cũng sản xuất theo chuỗi, phục vụ các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi TP còn thiếu vấn đề về tổ chức, đó là hiệp hội ngành hàng. Nếu có hiệp hội chăn nuôi lơn sẽ góp phần làm cho ngành chăn nuôi phát triển có định hướng, tiên lượng được về thị trường đầu ra. Đồng thời quy định các tiêu chuẩn chất lượng và liên kết giữa các thành viên để cùng ứng phó đối với tình hình. “Hiện nay, nhiều người dân hoang mang bán chạy lợn. Nếu người dân biết bảo nhau thì cùng mua nguyên liệu đầu vào rẻ hơn và đoàn kết quyết định giá bán đầu ra, không bị thương lái ép giá. Hiện ở Đồng Nai đang thực hiện tốt điều này và tới đây Hà Nội cũng sẽ làm như vậy” – ông Tạ Văn Tường cho biết.Cùng với đó, để giải cứu cho người chăn nuôi, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội cũng kêu gọi các mạnh thường quân, DN đứng ra thu mua thịt lợn, trong đó có cả việc làm từ thiện tặng đồng bào miền núi, vùng sâu vùng sa, vùng còn nhiều khó khăn. Ông Tường cho biết thêm, hiện đã có một số DN vào cuộc thu mua lợn cho nông dân như Công ty Lebio, Công ty Thái Dương cam kết mua 20.000 con.Liên quan tới vấn đề tiêu thụ thịt lợn cho người dân, ngày 9/5, Công ty CP Lebio đã tổ chức thu mua lợn cho trang trại của ông Lê Văn Làn, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên. Trang trại hiện có 200 con lợn thịt đến ngày xuất chuồng, tuy nhiên, lượng thu mua được ngày 9/5 của Công ty Lebio chỉ đạt 30 con, mức giá 35.000 đồng/kg. Ông Nhữ Đình Tú – Tổng Giám đốc Công ty CP Lebio cho biết, thực tế năng lực của công ty có hạn nên trước mắt ưu tiên các tỉnh miền núi thực sự khó khăn. DN này cũng cam kết thu mua 7.000 – 10.000 con lợn cho người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội.Đáng chú ý, mới đây Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản giới thiệu Công ty CP D&A Việt Nam giải quyết điểm nóng về thu mua, tiêu thụ thịt lợn tại Hà Nội và Đồng Nai. Công ty CP D&A Việt Nam đã có đề nghị hỗ trợ liên hệ để thu mua khoảng 5.000 – 7.000 tấn lợn thịt thương phẩm.Trong một diễn biến khác, ngày 9/5, Cục Chăn nuôi cũng có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP cáo cáo nhanh tình hình chăn nuôi tại địa phương. Theo Cục Chăn nuôi, triển khai có hiệu quả các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giúp người nuôi lợn vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, những ngày qua, hầu hết các bộ, ngành, đoàn thể từ T.Ư đến địa phương đã có biện pháp cụ thể. Nhờ đó, đầu vào chăn nuôi lợn đã giảm đáng kể, thức ăn chăn nuôi lợn giảm bình quân 200 đồng/kg, lãi suất tín dụng giảm và tiếp tục được cho vay mới. Đặc biệt thị trường thịt lợn có những chuyển biến tích cực, giá lợn hơi tăng bình quân 5.000 – 7.000 đồng/kg, giá thịt bán ra giảm 10 – 30%. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, tình hình chăn nuôi lợn vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, bất cập, nguy cơ bất ổn. Do đó, Cục Chăn nuôi đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP báo cao nhanh số lượng đầu lợn nái, lợn thịt, giá lợn hơi trung bình, năng lực giết mổ tập trung và hệ thống kho lạnh trên địa bàn. Ngoài ra, báo cáo về các chính sách, biện pháp của địa phương đã triển khai và kế hoạch trong thời gian tới. Báo cáo gửi về Cục Chăn nuôi trước ngày 15/5.