Ruộng đồng cơ bản đủ nước gieo cấy
Thực tế, sau khi kết thúc 2 đợt xả tăng cường từ các hồ chứa thuỷ điện theo kế hoạch ban đầu của Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã cơ bản lấy đủ nước sản xuất vụ Xuân 2023, ngoại trừ một số diện tích thuộc địa bàn Hà Nội.
Đây là câu chuyện vốn không mới, bởi vụ Xuân những năm gần đây, Hà Nội luôn là địa phương gặp khó khăn lớn nhất trong việc lấy nước phục vụ sản xuất cho bà con nông dân. Nguyên nhân đến từ 2 yếu tố chính gồm: Mực nước sông Hồng ngày một hạ thấp theo từng năm, và hệ thống công trình thuỷ lợi ngày càng xuống cấp.
Theo Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT), lượng mưa từ ngày 19 - 24/2 tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) chỉ vào khoảng 2 - 5mm. Đây là lượng mưa thấp và không có ý nghĩa lớn trong việc bổ sung nguồn nước tưới dưỡng lâu dài cho lúa Xuân.
Trên cơ sở kiểm tra thực tế và kiến nghị của UBND TP Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiến hành tăng cường phát điện từ ngày 17 - 20/2/2023. Theo đó, mực nước sông Hồng tại Trạm thuỷ văn Sơn Tây (Hà Nội) được duy trì ở mức trung bình từ +1,8m trở lên, bổ sung nguồn nước quan trọng cho hạ du.
Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Tích Nguyễn Xuân Thuỷ cho biết, những ngày qua, đơn vị đã cắt cử cán bộ, công nhân viên ứng trực 24/24 giờ tại trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây) để theo dõi diễn biến mực nước. Cùng với đó, tích cực vận hành tổ máy để lấy nước cho những diện tích còn thiếu hụt thuộc các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ.
Với sự phối hợp hỗ trợ từ Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sự chủ động của ngành nông nghiệp và doanh nghiệp thuỷ lợi Hà Nội, đến nay, gần 82.000ha gieo cấy lúa Xuân 2023 đã cơ bản lấy đủ nước. Một số diện tích bà con chưa lấy nước chủ yếu là do tập quán canh tác muộn.
Không để thiếu nước tưới dưỡng
Dù đến nay diện tích gieo cấy lúa Xuân 2023 đã cơ bản lấy đủ nước, tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp thuỷ lợi và chính quyền địa phương bày tỏ quan ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn nước phục vụ tưới dưỡng cho lúa Xuân, khi không còn nguồn cung cấp bổ sung từ các hồ chứa thuỷ điện.
Trong bối cảnh đó, nguồn nước từ các hồ chứa thuỷ lợi đóng vai trò quan trọng. Dù vậy, số liệu quan trắc do Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội cung cấp cho thấy, mực nước các hồ chứa thuỷ lợi đang xuống thấp qua từng ngày.
Dung tích trữ của 13 hồ chứa thuỷ lợi lớn nhất của Hà Nội hiện vào khoảng 85,41 triệu m3, bằng 55% so với tổng dung tích thiết kế. Một số hồ chứa thậm chí có dung tích chỉ đạt khoảng 30% như: Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), Kèo Cà (huyện Sóc Sơn)… Không chỉ vậy, nhiều hồ chứa cũng bị bồi lắng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng trữ nước.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, sau ngày 20/2, mực nước sông Hồng sẽ bắt đầu xuống dần. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thuỷ lợi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước để tập trung vận hành hiệu quả công trình thuỷ lợi. Ngoài cung cấp nước phục vụ đổ ải, gieo cấy, cần cố gắng tích trữ tối đa vào hệ thống kênh, mương, ao, hồ… để phục vụ nhu cầu tưới dưỡng cho lúa Xuân.
Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động bà con nông dân tích cực xuống đồng lấy nước, trữ nước phục vụ đổ ải, gieo cấy. Đồng thời, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, đảm bảo chống thất thoát, lãng phí nguồn nước tưới dưỡng cho vụ Xuân.