Từ một ý tưởng giản dị ban đầu là ghi lại quang cảnh phố cũ của Hà Nội còn sót lại, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn bắt tay vào đọc tài liệu viết trong các thư viện, đi điều tra thực địa, phỏng vấn hàng trăm người để sưu tầm tư liệu. Hai tập của “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” được chia làm 6 quyển, mỗi quyển có một bài mở đầu nêu những đặc điểm riêng của khu vực nói trong tập đó, rồi lại chia tiếp thành các phần, chương theo đặc điểm địa lý và dân cư. Sách có phụ lục về tên phố của Hà Nội, danh sách Toàn quyền Đông Dương từ 1884 đến 1945 và những đơn vị hành chính của Hà Nội từ sau 1945, bản đồ và các chỉ dẫn khác phục vụ cho việc tra cứu.
Trong chương một “Thành trì Hà Nội” tác giả điểm qua mấy nét về lịch sử xây dựng thành Hà Nội. Tác giả Nguyễn Văn Uẩn nói về nguyên tắc chung của việc xây dựng thành trì ở Việt Nam, nơi kinh đô hay các vùng lại càng phải tôn trọng nguyên tắc về phong thủy kỹ lưỡng. “Phong thủy là yếu tố gắn liền với đời sống con người Việt Nam, bắt nguồn từ một nền văn hóa rất xa xưa. Nghệ thuật quân sự thời phong kiến không thể thiếu kiến thức về phong thủy và thiên văn (ta có sách Binh gia yếu lược, Vạn Kiếp bí truyền…)” - tác giả Nguyễn Văn Uẩn viết. Nếu những yếu tố phong thủy không đầy đủ, thì con người phải sửa lại thiên nhiên, đắp hoặc làm cao lên, khơi, nắn dòng nước để nơi đó tránh được những ảnh hưởng tai hại của thiên nhiên huyền bí, có được chỗ dựa vững chắc của khí thiêng trong trời đất. Tác giả Nguyễn Văn Uẩn viết: “Trong thành Thăng Long xưa, núi Nùng, núi Khán là những gò cao đắp thêm, con sông Tô Lịch, Kim Ngưu đã được khơi dòng theo sách phong thủy”.
Năm 1996, bộ sách được trao tặng giải thưởng Thăng Long. “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” là cuốn sách mà bất kỳ ai muốn hiểu về Hà Nội nên đọc.